Mất bao lâu và làm sao để bỏ được một thói quen xấu?
(Dân trí) - Hàng ngày chúng ta thực hiện vô số thói quen, ví dụ như đánh răng sáng, tối, hay uống một tách cà phê vào lúc 10 giờ sáng ,...
Trong số đó có nhiều thói quen tốt, như là tập thể dục thể thao, nhưng cũng có một số thói quen xấu như là hút thuốc, gọi đồ ăn nhanh giao hàng tận nơi quá nhiều. Từ việc ý thức được đâu là thói quen tốt, đâu là thói quen xấu, chúng ta thường cố gắng uốn nắn sinh hoạt của mình cho phù hợp.
Trong thời đại công nghệ ngày nay, không thiếu gì những ứng dụng trên thiết bị thông minh để giúp bạn hình thành một thói quen và đa số các ứng dụng này đều thiết lập hệ thống với giả định rằng bạn cần 21 ngày để tạo nên một thói quen. Con số này xuất phát từ một cuốn sách nổi tiếng vào năm 1960 có tên "Thay đổi để thành công" của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Maxwell Maltz. Ông quan sát các bệnh nhân của mình và nhận thấy họ mất khoảng 21 ngày để quen với gương mặt mới của mình.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào năm 2009, thời gian để hình thành một thói quen thật ra không quá rõ ràng, cụ thể. Đây là nghiên cứu của nhóm chuyên gia Trường đại học London, Anh. Họ theo dõi thói quen mới của 96 người trong vòng 12 tuần và nhận thấy rằng thời gian trung bình để hình thành và giữ được một thói quen là 66 ngày; còn tùy từng cá nhân mà con số này có thể từ 18 đến 254 ngày.
Từ kết quả nghiên cứu này, chúng ta có thể suy ra rằng nếu một người muốn xây dựng một thói quen mới thì người đó sẽ mất ít nhất 2 tháng và không nên nản chí nếu 3 tuần chưa thấy kết quả gì, bởi vì với hầu hết mọi người, rất đơn giản là 3 tuần chưa đủ. Hãy kiên trì theo đuổi việc làm mà bạn muốn trở thành thói quen và cuối cùng bạn sẽ có được nó và sau đó không cần phải nỗ lực quá nhiều để duy trì.
Vậy nếu muốn từ bỏ một thói quen xấu thì sao?
Hóa ra hai việc hình thành và phá vỡ thói quen có liên hệ khá chặt chẽ với nhau. Nhà tâm lý học Timothy Pychyl - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến giáo dục, Trường đại học Carleton, Mỹ - giải thích rằng thói quen tốt và thói quen xấu giống như một đồng xu luôn có 2 mặt. Phá bỏ một thói quen chính là xây dựng một thói quen mới, một cách phản hồi mạnh mẽ hơn, chứa đựng tiềm năng mới. Thói quen hay cung cách phản hồi cũ vẫn còn đó (một kiểu phản xạ thần kinh trong não), nhưng nó đã bị tiết chế.
Bắt đầu một việc gì đó mới dễ hơn nhiều so với ngừng một việc gì đã trở thành thói quen mà không có hành vi nào thay thế. Đó là nhận định của nhà khoa học thần kinh Elliot Berkman, Giáo sư Trường đại học Oregon, Mỹ. Đây là một lý do giải thích vì sao các phương tiện hỗ trợ cai thuốc lá như kẹo cao su hoặc ống hít có nicotine lại hiệu quả hơn miếng dán nicotine.
Các chuyên gia đều cho rằng không có khung thời gian chuẩn nào để từ bỏ được một thói quen và nó còn phụ thuộc vào tính cách, động cơ, hoàn cảnh và thói quen cần từ bỏ. Những người muốn bỏ một thói quen xấu vì những lý do liên quan đến giá trị bản thân sẽ thay đổi được hành vi nhanh hơn những người muốn từ bỏ thói quen vì những lý do bên ngoài như là áp lực từ những người xung quanh muốn họ làm như vậy. Đôi khi một thói quen có thể bị phá vỡ rất nhanh. Có những trường hợp đặc biệt, thói quen bị phá vỡ ngay lập tức, ví dụ như bạn suýt bị xe đâm vì thói quen vừa đi vừa nhắn tin. Nhưng trong hầu hết trường hợp thì mất nhiều thời gian hơn thế và bạn nên bình tĩnh và kiên nhẫn cho phép bản thân làm quen dần ít nhất là 2 tháng.
Để từ bỏ thành công một thói quen, bạn cần nghĩ đến động lực mạnh nhất, nó sẽ giúp bạn kiên định. Hãy nghĩ đến một hành vi thay thế cho thói quen đó, nhưng phải chắc chắn rằng đó là một hành vi tích cực. Ví dụ: không nên thay thế việc hút thuốc là bằng việc ăn vặt. Và hãy kiên nhẫn! Một thói quen càng tồn tại từ lâu thì càng mất thời gian để từ bỏ. Những thói quen lâu năm đã ăn sâu vào hệ thần kinh, vì thế chúng có sức điều khiển hành vi rất mạnh mẽ.
Đáng mừng là một khi ý thức được về thói quen của mình thì gần như tất cả mọi người đều có thể tìm ra hành vi thay thế và có đủ động lực để thay đổi. Vì thế, bạn hãy mạnh mẽ lên, bạn có thể làm được