Ly kỳ những giả thuyết kinh hoàng cho thảm họa chìm tàu Titanic

Minh Khôi

(Dân trí) - 109 năm trước đây, thế giới đã chứng kiến một trong những thảm họa thảm khốc nhất trong lịch sử, khi con tàu Titanic huyền thoại chìm xuống Đại Tây Dương, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Ly kỳ những giả thuyết kinh hoàng cho thảm họa chìm tàu Titanic - 1

Tàu Titanic (RMS Titanic) khi sau khi rời cảng Queenstown (Ireland), vào ngày 11/4.

Tàu Titanic có tên chính thức là RMS Titanic (RMS là viết tắt của Royal Mail Ship). Tàu bắt đầu được đóng vào năm 1909 và được hạ thủy năm 1912.

Đây là một trong những con tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng bậc nhất thời bấy giờ, mang theo tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của công ty sở hữu nó, hãng vận tải biển The White Star Line.

Tuy nhiên, trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó vào tháng 4 năm 1912, Titanic đã đắm do đâm vào một tảng băng trôi.

Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới sự việc này vẫn còn là điều gây tranh cãi. Thảm họa Titanic cũng đã trở thành đề tài cho hàng loạt các cuộc điều tra, kiện tụng, giả thuyết ly kì, đồng thời dẫn đến các thay đổi lớn trong quy định an toàn hàng hải quốc tế.

Giả thuyết 1: Nhầm lẫn của thủy thủ đoàn

Ly kỳ những giả thuyết kinh hoàng cho thảm họa chìm tàu Titanic - 2

Chân dung Robert Hichens - thành viên tổ lái được cho là "kẻ làm đắm tàu Titanic".

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Daily Telegraph, Louise Patten - cháu nội của Charles Lightoller (1874 - 1952), sĩ quan bậc 2 trên tàu - cũng là thành viên sống sót duy nhất trong ban chỉ huy tàu đã tiết lộ "một bí ẩn thực sự" về vụ đắm tàu Titanic.

Theo Louise, thủy thủ lái tàu khi ấy là Robert Hichens do quá hoảng loạn trước hiểm họa núi băng trước mặt, nên đã vận hành tàu nhầm lẫn trong việc đổi hướng lái.

Điều này thoạt nghe thật vô lý đối với người trực tiếp điều khiển cần lái con tàu đắt giá nhất thời ấy, nhất là trong chuyến hải trình xuyên đại dương đầu tiên.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng Titanic được đóng đúng vào thời điểm ngành hàng hải quốc tế chuyển từ tàu buồm sang tàu sử dụng động cơ hơi nước.

Trong khi đó, đa số các thủy thủ đoàn được huấn luyện dưới thời tàu chạy buồm, cùng nguyên lý bẻ lái sang trái khi muốn tàu rẽ phải và ngược lại. Còn với máy hơi nước thì muốn rẽ bên nào chỉ việc điều khiển bánh lái theo hướng đó, y như với xe hơi bây giờ vậy.

Do Hitchins nhầm lẫn trong việc đổi hướng lái, nên thủy thủ đoàn chỉ còn 4 phút trước khi gặp chướng ngại vật… Bất chấp mọi nỗ lực từ thuyền trưởng E. Smith hòng khắc phục sự cố, nhưng đã quá muộn khiến tình hình trở nên vô vọng

Giả thuyết 2: Những sai sót trong khâu đóng tàu

Ly kỳ những giả thuyết kinh hoàng cho thảm họa chìm tàu Titanic - 3

Bánh lái và các chân vịt của Titanic. Ảnh: Wikipedia

Thiết kế của Titanic sử dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thời bấy giờ, cũng như sở hữu thủy thủ đoàn giàu kinh nghiệm. Nó thậm chí được đồn đại là "không thể chìm". Tuy nhiên, cú sốc lớn đã xảy ra khiến cả thế giới ngỡ ngàng.

Một trong những giả thuyết dẫn tới nguyên nhân xảy ra thảm họa của tàu Titanic được nhiều người ủng hộ, chính là những sai lầm trong khi đóng tàu.

Cụ thể, đó là những vấn đề liên quan tới các cửa an toàn và thiếu một số bu lông, đinh tán tại các tấm thân tàu.

"Nếu các vách ngăn nước đảm bảo ngăn kín các khoang với nhau, con tàu đã có thể nổi", Richard Corfield - một chuyên gia về cơ khí cho biết.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng đinh tán chất lượng thấp được sử dụng trên tàu Titanic có thể khiến nó dễ dàng bị phá hỏng khi vụ va chạm xảy ra, và tàu chìm nhanh hơn.

Cũng theo một số tài liệu, thuyền phó William McMaster Murdoch thậm chí từng gửi điện báo cho phòng kỹ thuật yêu cầu thiết kế động cơ tàu Titanic theo hướng đảo ngược.

Theo đó, chân vịt trái và phải sẽ quay ngược lại, khiến chân vịt trung tâm chỉ có thể được điều khiển để dừng lại và không có cơ chế quay ngược.

Richard Corfield cho rằng chân vịt không thể xoay dễ dàng khiến khả năng quay đầu của con tàu không còn linh hoạt.

"Đó là một trong nhiều điều trớ trêu của thảm kịch Titanic, khi nó có thể đã tránh được tảng băng trôi nếu Murdoch không nói với phòng máy giảm và sau đó đảo ngược lực đẩy của con tàu", Corfield nói.

Giả thuyết 3: Biến đổi khí hậu

Ly kỳ những giả thuyết kinh hoàng cho thảm họa chìm tàu Titanic - 4

Tảng băng trôi mà tàu Titanic đâm phải có kích thước khổng lồ, và hình thành dựa trên sự biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa

Giáo sư Hans Joachim Schellnhuber thuộc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu tại Đức lại cho rằng nguyên nhân gián tiếp dẫn tới thảm họa đắm tàu Titanic là do hiện tượng nhà kính, đã khiến một tảng băng trôi khổng lồ bị tách ra khỏi Bắc Cực.

Đây là điều được ít người ủng hộ, nhưng lại có tính thuyết phục rất cao. Lý do là bởi ai cũng muốn nhìn vào những sai sót của tàu Titanic, trong khi đó, vụ va chạm có khả năng là không thể đảo ngược, do kích thước tảng băng trôi quá lớn.

Theo một số nghiên cứu, tảng băng này được cho là cao từ 4,5 - 9 mét so với mặt nước, dài từ 60 - 120 mét, và được hình thành khoảng năm 1000 trước Công nguyên. Tức là tính đến thời điểm xảy ra va chạm, nó đã có tuổi đời gần 3000 năm.

"Thuyền trưởng tàu Titanic có lẽ đã nghĩ rằng mình không có đủ thời gian để chuyển hướng con tàu một cách an toàn", Giáo sư Schellnhuber đưa giả thuyết.

Donand Olson, một nhà thiên văn của Đại học Texas tại Mỹ, thì cho rằng mặt trăng có thể là thủ phạm gián tiếp trong thảm họa.

"Có thể hiện tượng trăng tròn vào hôm 4/1/1912 đã tạo ra những đợt sóng mạnh trên đại dương khiến các tảng băng trôi về phía nam. Chúng lọt vào hải trình của tàu Titanic", Olson giải thích.

Olson tin rằng sự bùng nổ của băng vào mùa xuân năm 1912 là kết quả của hiện tượng "siêu trăng", nghĩa là trăng tròn trong tháng mà nó tới gần Trái Đất nhất.

Ngoài những giả thuyết nêu trên, còn rất nhiều bí ẩn mà khoa học chưa thể lý giải liên quan đến vụ tai nạn này, như đường dây liên lạc của tàu bất ngờ bị chậm trễ, khiến thuyền trưởng không kịp thay đổi lộ trình, hay những vật dụng như ống nhòm bị cất giữ trong một tủ khóa mà họ không có chìa.

Titanic - con tàu siêu sang khổng lồ, mang theo niềm tự hào của ngành hàng hải thế giới bị đắm vào ngày 14/4/1912 do đâm trúng một tảng băng lớn cách đảo Newfoundland của Canada khoảng 640 km.

Theo báo cáo của ủy ban điều tra thành lập bởi Thượng viện Hoa Kỳ, trong tổng số 2.223 người trên tàu, chỉ 706 người sống sót; 1.517 người thiệt mạng.

Đa số người chết do không chịu nổi sự giảm thân nhiệt trong nước có nhiệt độ chỉ 28 ⁰F (-2 ⁰C). Ngoài ra, tỉ lệ tử vong cao cũng vì các thuyền cứu sinh đã không chở tối đa số người có thể.

Người ta phải mất tới 73 năm để tìm thấy xác con tàu này.