Lý giải nguyên nhân khó “truy tìm” người ngoài hành tinh

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho hay, nhiều hành tinh mà chúng ta từng cho rằng tồn tại người ngoài hành tinh có thể quá nóng để có sự sống. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể là lý do không tồn tại sự sống trong số hàng tỷ hành tinh tương tự như Trái đất.

Tuy nhiên các nghiên cứu cho rằng vẫn hi vọng một “vận may” đến từ các hành tinh có kích thước nhỏ như sao Hỏa có thể sẽ tồn tại người ngoài hành tinh.

Các nhà khoa học trước đây cho rằng, hành tinh có kích cỡ tương tự Trái đất gần những ngôi sao lùn đỏ (một ngôi sao khá nhỏ và có nhiệt độ thấp - PV) có thể là điều kiện thích hợp để hỗ trợ sự sống.


Một chiếc xe di chuyển dọc theo đường cao tốc Extraterrestria gần Rachel, Nevada, ở phía đông của Area 51 AP

Một chiếc xe di chuyển dọc theo đường cao tốc Extraterrestria gần Rachel, Nevada, ở phía đông của Area 51 AP

Mặc dù thực tế khoảng cách giữa chúng đến các ngôi sao đủ để cho phép có dòng nước trên bề mặt (yếu tố được cho là cần thiết để hỗ trợ sự sống) nhưng môi trường trên các hành tinh này có thể quá nóng để thực sự tồn tại sự sống.

Bầu khí quyển dày của các hành tinh này sẽ gây ra hiệu ứng nhà kính không kiểm soát được, nước sẽ bị bốc hơi và khiến chúng trở nên quá nóng để có thể tồn tại sự sống. Một hiệu ứng tương tự đã được quan sát trên sao Kim, nơi có nhiệt độ bề mặt nóng tới mức có thể làm tan chảy chì.

Từ khi các sao lùn đỏ tập hợp khoảng ba phần tư các ngôi sao trong dải Ngân hà, các nhà khoa học kỳ vọng rằng chúng có thể bao bọc hàng tỷ hành tinh có sự sống. Mặc dù nhiều hành tinh trong số đó được sinh ra với bầu khí quyển dày hydro và heli nhưng bức xạ từ ngôi sao mẹ được dự đoán đã thổi bớt đi các luồng khí này

Mô phỏng chi tiết trên máy tính giờ đây chỉ ra rằng các hành tinh có kích cỡ như Trái Đất hay lớn hơn có quỹ đạo gần với sao lùn đỏ có khả năng giữ lại bầu khí quyển dày. Mặt khác, hành tinh nhỏ có kích cỡ tương tự như sao Hỏa có thể có độ dày khí quyền mỏng hơn đủ để tồn tại sự sống.

Giáo sư Subhanjoy Mohanty, một nhà nghiên cứu đến từ Đại học Hoàng Gia Lôn Đôn cho rằng những khám phá hành tinh gần đây gợi ý chúng ta rằng các hành tinh tương đối nhỏ xung quanh các sao lùn đỏ có thể còn phổ biến hơn các hành tinh như Trái đất hoặc lớn hơn. Như vậy tiềm năng lớn là có các hành tinh tồn tại sự sống đang quay xung quanh những ngôi sao đỏ lạnh này.

Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Thông cáo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia.

Thu Hà (Theo Independent)