Lý do một số người lại thấy khó chịu khi nghe thấy tiếng nhai nhóp nhép?
(Dân trí) - Nghiên cứu mới cho thấy không phải những người này đang tự tưởng tượng ra sự khó chịu đó. Ngày 2/2, các nhà khoa học báo cáo trên tạp chí sinh học Current Biology rằng, sự tức giận và lo lắng khi phản ứng với các âm thanh từ hoạt động ăn uống và hít thở trong cuộc sống hàng ngày là do hoạt động gia tăng ở các bộ phận của não thực hiện và điều tiết cảm xúc.
Nhà tâm lý Jennifer Jo Brout cho rằng những người mắc phải tình trạng này – gọi là dị ứng tiếng ồn - misophonia thường khó chịu vì họ quá nhạy cảm.
Ông Brout – nhà sáng lập Chương trình Điều tiết cảm xúc và Xử lý cảm giác tại Trung tâm Y tế của Đại học Duke cho rằng “nghiên cứu này thật sự khẳng định rằng tình trạng đó là do cơ chế thần kinh gây ra”.
Các nhà nghiên cứu đã cho 20 người bị dị ứng tiếng ồn và 22 không gặp phải tình trạng này nghe các loại âm thanh. Một số âm thanh là dạng không rõ rệt – chẳng hạn như tiếng mưa rơi. Một số âm thanh khác, chẳng hạn như tiếng em bé khóc đã gây khó chịu cho cả hai nhóm nhưng không gây ra phản ứng misophonic. Nhóm âm thanh còn lại được biết đến là gây ra khó chịu đối với những người bị misophonia – đó là tiếng nhai và hít thở.
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI)cho thấy cả hai nhóm đều có những phản ứng tương tự nhau với nhóm âm thanh không rõ rệt và gây phiền nhiễu. Tuy nhiên những người bị misophonia lại phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều đối với tiếng nhai và hít thở. Vùng thùy đảo phía trước trên vỏ não của họ - cấu trúc não phụ trách về tình cảm - hoạt động nhiều hơn.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy sự khác biệt về cấu trúc – vùng thùy đảo phía trước trên vỏ não có nhiều kết nối với các cấu trúc khác như hạch hạnh nhân và hồi hải mã – các cấu trúc cũng góp phần xử lý cảm xúc.
Những người gặp phải tình trạng misophonia cũng có nhịp tim tăng lên và phản ứng da điện. Đó là loại phản ứng được kích hoạt khi đối mặt với động vật hoang dã hoặc nói chuyện trước đám đông.
Đồng tác giả của nghiên cứu này – Sukhbinder Kumar – một nhà thần kinh học về nhận thức tại Đại học Newcastle, Anh – cho biết âm thanh mà hầu hết mọi người bỏ qua khi nghe thấy hàng ngày lại gây ra những phản ứng cảm xúc rất mạnh mẽ với những người misophonia. Bộ não của họ thấy một số âm thanh nhất định trở nên quan trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tại sao chỉ có một số âm thanh cụ thể mới gây ra phản ứng này.
Anh Thư (Theo BI)