Lý do không nên tập các động tác thể dục nặng nhọc khi bạn đang cảm thấy khó chịu

(Dân trí) - Trái tim chỉ có thể chịu đựng 1 giới hạn nhất định – và 1 nghiên cứu mới cho rằng tập thể dục nặng nhọc khi đang ở trong trạng thái cảm xúc cao độ có thể vượt quá khả năng chịu đựng của trái tim.

Trong nghiên cứu này, nguy cơ bị đau tim trong vòng 1 giờ sau khi tập thể dục lúc tức giận hoặc cảm thấy khó chịu lớn hơn gấp 3 lần so với bình thường.


Ảnh: wavebreakmedia/Shutterstock.com

Ảnh: wavebreakmedia/Shutterstock.com

Theo nghiên cứu được công bố ngày 10/10 trên tạp chí Circulation, các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra ảnh hưởng của việc tập thể dục và trạng thái cảm xúc căng thẳng 1 cách riêng rẽ, để xem liệu mỗi 1 yếu tố riêng lẻ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị đau tim hay không. Họ nhận thấy rằng, mỗi nhân tố sẽ làm tăng nguy cơ đau tim trong vòng 1 giờ lên gấp đôi.

Theo tiến sĩ Andrew Smyth - tác giả chính của nghiên cứu này, hoạt động thể chất bình thường mang lại lợi ích, trong đó có cả phòng ngừa bệnh tim, và các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ “khuyên những người đang tức giận hoặc xúc động muốn tập thể dục để xả hơi thì không nên bỏ qua thói quen bình thường này” và tuy nhiên không được tập quá sức.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu của hơn 12.500 bệnh nhân đến từ 52 quốc gia. Những bệnh nhân này đã từng lên cơn đau tim và tất cả họ đều tham gia vào chương trình nghiên cứu INTERHEART – một nghiên cứu về các nhân tố có nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 58 tuổi, và ¾ trong số đó là nam giới.

Trong quá trình tham gia chương trình INTERHEART, các bệnh nhân đã trả lời câu hỏi về các hoạt động họ đã làm trong vòng 1 giờ trước khi bị đau tim, bao gồm cả việc họ đã tham gia các hoạt động thể chất nặng nhọc hay đã cảm thấy tức giận hoặc có những cảm xúc khó chịu. Các nhà nghiên cứu cũng đã hỏi các bệnh nhân về việc họ có các hoạt động hay cảm xúc tương tự vào cùng thời điểm trong 1 ngày trước khi bị đau tim.

Cả các nỗ lực hoạt động thể chất và các trạng thái cảm xúc nhất định đều có thể ảnh hưởng tới cơ thể con người theo hướng làm tăng nguy cơ bị đau tim.

Tiến sĩ Smyth cho biết “cả 2 đều có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim, thay đổi dòng máu chảy qua các mạch máu và làm giảm lượng máu cung cấp cho trái tim”. Điều này sẽ đặc biệt nguy hiểm đối với những người có mạch máu đã bị thu hẹp do các mảng bám.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý về 1 số hạn chế của nghiên cứu này. Ví dụ như, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu nhớ lại các mức độ hoạt động thể chất hoặc trạng thái cảm xúc trong thời gian trước khi xảy ra các cơn đau tim, và trí nhớ của họ có thể không được hoàn hảo.

Theo Barry Jacobs – một nhà tâm lý học công tác tại Crozer – Keystone Health System ở ngoại ô Philadelphia, “nghiên cứu này tiếp tục là 1 một bằng chứng về sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể. Lúc tức giận sẽ không phải là thời điểm tốt để đi bổ củi”

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Viện nghiên cứu về sức khỏe của Canada, cùng với sự tham gia của các cơ quan chính phủ từ nhiều quốc gia khác nhau.

Anh Thư (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm