1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Lợi dụng lỗ hổng, các "ông lớn" sản xuất bóng đèn gian dối khách hàng

Các nhà sản xuất bóng đèn chiếu sáng đã khai thác một lỗ hổng trong các bài kiểm tra chất lượng của châu Âu để phóng đại về độ sáng và tiết kiệm năng lượng của sản phẩm. Hành động này được xem là gian dối khách hàng và đã bị lên án.


Một sản phẩm bóng đèn của Philips.

Một sản phẩm bóng đèn của Philips.

Kết quả thu được từ phòng thí nghiệm năm 2015 của Hiệp hội Tiêu dùng Thụy Điển cho thấy, Ikea, Philips, GE và Osram là những công ty đã phóng đại về hiệu quả điện năng của sản phẩm lên tới 25% theo như lời quảng cáo trên bao bì. Theo đó, các cuộc kiểm tra được tiến hành trong khoảng năm 2012 – 2014 phát hiện đèn halogen Osram 42W phải tiêu thụ nhiều điện hơn 25% thì mới đạt được độ sáng 630 lumen (đơn vị quang thông).

Một bóng đèn tròn GE 70W lại bị kém sáng 20% so với quảng cáo 1.200 lumen. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với đèn của Philips và Ikea. Sự chênh lệch này là do các nhà sản xuất đã lợi dụng yếu tố “dung sai” trong thủ tục kiểm tra chính thức của Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, sản phẩm bóng đèn được phép dung sai 10%, có nghĩa là một bóng đèn xếp loại 600 lumen thì trên thực tế có thể là 540 lumen.

Để khắc phục hậu quả, đại diện Ikea trả lời phỏng vấn tờ Guardian (Anh) cho hay hãng này sẽ hoàn trả tiền cho bất cứ khách hàng nào không hài lòng với bóng đèn mà họ đã mua.

“Báo cáo liên quan tới bóng đèn halogen đã không còn được bán tại Ikea”, một người phát ngôn cho hãng sản xuất của Thụy Điển cho hay, “Kể từ tháng 2/2015, chúng tôi đổi toàn bộ các sản phẩm đèn sang dạng LED cho khách hàng một cuộc sống phù hợp ở nhà riêng”.

Trong khi đó, Jo Picardo, phát ngôn viên của Philips cho biết hãng này đã tuân thủ mọi tiêu chuẩn liên quan và cam kết ghi nhãn chuẩn xác. “Hiệu năng của đèn có thể khác nhau theo từng bóng”, bà nói “Đó là bản chất của sản phẩm và đặc biệt đúng với bóng đèn halogen do cuộn dây vonfram. Trung bình bóng đèn của chúng tôi đáp ứng các thông số kỹ thuật tốt trong phạm vi dung sai cho phép 10%".

Một vị giám đốc điều hành cao cấp trong ngành công nghiệp chiếu sáng nói với Guardian rằng việc lợi dụng dung sai đã xảy ra lan tràn, buộc các công ty nhỏ đưa những sản phẩm kém chất lượng ran thị trường hoặc có nguy cơ dừng kinh doanh. “Tất cả các thương hiệu lớn đều làm thế”, nhân vật này tiết lộ trong điều kiện giấu tên.

“Không ai trong sạch trong chuyện này và mọi người phải làm theo để cạnh tranh. Trong quá khứ, chúng tôi công bố các giá trị đã được đo lường trên bao bì nhưng khi chúng tôi đo các sản phẩm tương đương của các đối thủ, chúng tôi nhận thấy họ lại quảng cáo giá trị cao hơn trên nhãn mác. Vì thế chúng tôi phải chơi trò tương tự. Chúng tôi đang trên một thị trường cạnh tranh và nếu chúng tôi không làm vậy thì chẳng khác nào kẻ ngốc”.

Trong khi đó, các sản phẩm gia dụng khác như TV, máy rửa bát, máy giặt, tủ lạnh… cũng có thể lợi dụng các lỗ hổng dung sai để gian dối chất lượng sản phẩm trước người tiêu dùng.

Ông Viktor Sundberg, Phó chủ tịch tập đoàn điện tử Electrolux cho biết các lỗ hổng dung sai cần phải bị chặn đứng đối với mọi loại sản phẩm. “Tôi muốn Liên minh châu Âu tiếp tục với một thông tin chi tiết để làm luật pháp rõ ràng hơn đối với mọi người”, ông nói.

Stephane Arditi, một chuyên gia sản phẩm tại Ủy ban Môi trường châu Âu đã nhắc lại bê bối khí thải của hãng xe Volkswagen để làm một bài học cụ thể cho ngành công nghiệp gia dụng. “Vụ việc Volkswagen bùng nổ và các nhà lập pháp EU đã thức tỉnh”, bà Arditi nói, “Điều tương tự có thể xảy đến với các thiết bị gia dụng. Ban lãnh đạo của ủy ban nên đẩy nhanh hơn là chôn vùi những cải cách này. Cho đến khi họ làm như vậy, thị trường sẽ có xu hướng thích ứng với những người lừa dối khách hàng của họ”.

Theo Hoàng Trang/Báo Tin Tức