1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Loài sói Tasmania đã tuyệt chủng có thể hồi sinh?

Nam Đoàn

(Dân trí) - Phổ biến ở Úc và New Guinea vài nghìn năm trước, sói Tasmania đã bị coi là tuyệt chủng kể từ năm 1936, các nhà khoa học hiện đang xem xét việc hồi sinh từ tro của nó.

Loài sói Tasmania đã tuyệt chủng có thể hồi sinh? - 1

Sói Tasmania là một loài động vật có vú và túi (Ảnh: Trust my science).

Thylacine (Thylacinus cynocephalus), còn được gọi là sói Tasmania hay hổ, là một loài động vật có vú và túi với bộ lông màu mướp.

Sói Tasmania là động vật ăn thịt có túi duy nhất của Úc. Khoảng 3.000 năm trước, những cá thể còn lại chỉ giới hạn trong lãnh thổ của Tasmania và dần biến mất hoàn toàn. Đây là nạn nhân của những cuộc săn bắn ráo riết từ những người định cư châu Âu. 

Sử dụng kỹ thuật di truyền, các nhà nghiên cứu từ Đại học Melbourne (Úc), phối hợp với Colossal Biosciences - một công ty công nghệ sinh học của Mỹ có kế hoạch đưa loài thú có túi đã tuyệt chủng trở lại Tasmania bản địa của nó.

Đối với Colossal, đây không phải là lần đầu tiên, trước đó công ty đã lên kế hoạch hồi sinh voi ma mút lông cừu - một dự án nhằm cứu những con voi hiện đại có dân số ngày càng giảm. 

Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách lai bộ gen của voi châu Á với bộ gen của tổ tiên nó. Vấn đề chủ yếu là mang đến cho loài voi hiện đại những đặc điểm chỉ có ở voi ma mút, chẳng hạn như bộ lông ấn tượng giống của cừu và khả năng chống chọi với giá lạnh. 

Công ty có kế hoạch sử dụng các kỹ thuật tương tự để hồi sinh hổ Tasmania.

Bị "tàn sát" bởi con người

Vẻ ngoài của thylacine gợi nhớ đến loài răng nanh và bộ lông sọc khiến nó còn tên là "hổ". Đây là loài thú thuộc bộ Dasyuromorpha - bao gồm ba họ động vật có vú - họ Dasyuridae, Dunnart (chuột có túi) và sói Tasmania.

Công ty công nghệ sinh học này cho biết, số lượng thylacines giảm ở mức đáng báo động từ hơn 5.000 cá thể xuống 0 chỉ trong vài thập kỷ. Giống như nhiều loài khác, loài động vật này đã biến mất chủ yếu vì con người. 

Sói Tasmania là động vật ăn thịt, được những người định cư châu Âu coi là loài gây hại, vì để bảo vệ đàn gia súc của các gia đình, họ đã liên tục săn bắt nó cho đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn. 

Vào thế kỷ 19, những người thợ săn thậm chí còn được thưởng tiền thưởng, điều này làm tăng tốc độ biến mất của loài này.

Con sói Tasmania hoang dã cuối cùng bị giết trong khoảng thời gian từ năm 1910 đến năm 1920; mẫu vật nuôi nhốt cuối cùng đã chết vào năm 1936, tại Vườn thú Beaumaris ở Hobart, Tasmania, chỉ hai tháng sau khi được cấp tình trạng bảo vệ.

Vào năm 2018, các nhà khoa học đã giải mã bộ gen của một mẫu vật được lưu giữ tại Bảo tàng Victoria ở Úc. Sau đó, họ giải trình tự bộ gen của tất cả những họ hàng gần nhất còn sống của thylacine. DNA phù hợp nhất là DNA của loài dunnart đuôi béo.

Giống như dự án hồi sinh voi ma mút lông cừu từ một con voi hiện đại, điều này liên quan đến việc chèn các gen thylacine vào bộ gen của dunnart, sử dụng CRISPR và các công nghệ gen khác. 

Nhân của tế bào giống thylacine sau đó sẽ được chuyển vào trứng Dasyuridae. Các công nghệ hỗ trợ sinh sản mới dành riêng cho thú có túi cũng sẽ cần thiết ở đây. Sau khi hình thành đầy đủ, phôi sẽ được cấy vào một người mẹ mang thai hộ.

Chống lại các tác động tàn phá của suy thoái dinh dưỡng

Nếu thành công, các nhà khoa học có kế hoạch là đưa con vật đến một môi trường được kiểm soát trên vùng đất tư nhân ở Tasmania, với mục đích cuối cùng là đưa nó trở lại môi trường tự nhiên sau đó. 

Ben Lamm, Giám đốc và đồng sáng lập Colossal tin rằng, có thể tạo ra một mẫu vật đầu tiên trong vòng chưa đầy 6 năm.

Sự trở lại của sói Tasmania có thể giúp tái cân bằng hệ sinh thái địa phương. Thylacine thực sự đóng một vai trò quan trọng như một người bảo vệ sức khỏe môi trường của các khu vực mà nó sinh sống, bao gồm việc loại bỏ những động vật ốm yếu nhất và duy trì sự cân bằng với các đối thủ cạnh tranh để đảm bảo sự đa dạng của loài.

Loài sói Tasmania đã tuyệt chủng có thể hồi sinh? - 2
"Hồi sinh" sói Tasmania sẽ giúp bảo tồn đa dạng sinh học của các loài trong môi trường (Ảnh: iNaturalist NZ).

Sự biến mất của loài động vật ăn thịt hàng đầu này đã dẫn đến một quá trình gọi là "suy thoái dinh dưỡng", mà các tác động phân tầng lan rộng khắp chuỗi thức ăn đặc biệt hủy hoại tự nhiên. 

Công ty giải thích: "Sự xuất hiện của bệnh u mặt quỷ Tasmania là một ví dụ cụ thể về sự suy thoái chất dinh dưỡng do không có thylacine".

Bên cạnh đó, việc loại bỏ các động vật ăn thịt đã tạo điều kiện lây lan dịch bệnh giữa các loài ở mức độ dinh dưỡng thấp hơn. Sự gia tăng của các loài xâm lấn, cháy rừng (được thúc đẩy bởi sự tích tụ các vật liệu dễ cháy trên mặt đất), phá vỡ các chu trình sinh địa hóa và sự cô lập carbon là những hậu quả khác của suy thoái dinh dưỡng.

Andrew Pask, Giáo sư khoa học sinh học tại phòng thí nghiệm Nghiên cứu Phục hồi Di truyền Tích hợp Thylacine (TIGRR) của Đại học Melbourne, cho biết: "Dự án có thể có tác động rộng hơn nhiều, bao gồm cả việc giúp bù đắp cho sự tuyệt chủng hàng loạt đang diễn ra - Úc có tỷ lệ tuyệt chủng động vật có vú cao nhất trong thế giới.".

Theo ông, thế giới đang thay đổi quá nhanh, các kỹ thuật bảo tồn hiện có để cứu nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng là vô cùng cần thiết.

Andrew cảnh báo: "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Ý tôi là nó sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của chính chúng ta nếu mất đi 50% sự đa dạng sinh học trên Trái Đất trong vòng 50 đến 100 năm tới".

Một số chuyên gia nghi ngờ tính khả thi của dự án, đặc biệt là khả năng thu được một số lượng cá thể đủ cao để có được sự đa dạng di truyền cần thiết nhằm tạo ra một quần thể khỏe mạnh. 

Trong mọi trường hợp, nỗ lực "khử tuyệt chủng" thylacine này sẽ cho phép phát triển các công nghệ và tài nguyên quan trọng, những thứ cần thiết để giúp bảo tồn các loài thú có túi hiện có ở Úc.

Theo trustmyscience.com