Hé lộ thông tin chưa từng được biết đến ở hổ Tasmania

Trang Phạm

(Dân trí) - Thylacine hay loài hổ Tasmania đã tuyệt chủng là một loài thú có túi, nhưng hộp sọ của nó gần như giống với hộp sọ của cáo đỏ và sói xám.

Hé lộ thông tin chưa từng được biết đến ở hổ Tasmania - 1
Hình ảnh một con hổ Tasmania cuối cùng còn sống, được chụp ảnh tại Vườn thú Beaumaris vào năm 1936.

Nghiên cứu mới đã xác nhận sự tương đồng này không chỉ giới hạn ở những con thylacine trưởng thành mà nó hiện diện ngay cả trong hộp sọ của con non mới sinh, và tồn tại trong suốt vòng đời của con vật.

Phát hiện mới có thể làm sáng tỏ hơn về cách các loài động vật khác nhau có thể tiến hóa các đặc điểm tương tự để chiếm giữ các hốc sinh thái, mặc dù chúng có thể không liên quan và bị ngăn cách bởi không gian và thời gian. Đây là một hiện tượng có tên: Tiến hóa hội tụ.

Nhà sinh vật học Andrew Pask của Đại học Melbourne ở Úc cho biết: "Những con hổ Tasmania giống với chó sói hơn là những loài thú có túi có họ hàng gần khác".

Mặc dù thylacine, thường được gọi là hổ Tasmania, đã bị con người đẩy đến sự tuyệt chủng một cách thảm khốc vào năm 1936, phần còn lại của nó vẫn được giữ lại trong các bộ sưu tập của một số bảo tàng.

Phối hợp với các viện bảo tàng của Úc, các nhà nghiên cứu đã tiến hành chụp cắt lớp X-quang một số hộp sọ thylacine ở các giai đoạn và kích cỡ khác nhau, từ nhỏ cho đến trưởng thành.

Chúng được so sánh với các hộp sọ của thú có túi khác từ các bảo tàng ở Úc, bao gồm cả sọ của chuột dunnart (Sminthopsis), gần đây được tìm thấy là một trong những họ hàng gần nhất về mặt di truyền với thylacine và mèo túi phía đông (Dasyurus viverrinus), một loài thú có túi ăn thịt khác cùng bậc như thylacine.

Từ bảo tàng Phương Bắc ở Alaska, nhóm nghiên cứu cũng đã mượn và chụp CT sọ của loài sói xám (Canis lupus) ở các giai đoạn sống và kích cỡ khác nhau từ sơ sinh đến trưởng thành, để so sánh với hộp sọ thylacine. Tổ tiên chung cuối cùng giữa hai loài được xác định là 160 triệu năm trước.

"Chúng tôi biết rằng thylacine và sói trông giống nhau khi trưởng thành, nhưng chúng tôi không biết khi nào chúng bắt đầu bộc lộ những điểm tương đồng đáng chú ý trong quá trình phát triển", nhà sinh vật học Axel Newton tại Đại học Monash ở Úc thông tin.

Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng sói và thylacine có các gene tương tự điều chỉnh sự phát triển sọ mặt của chúng. Cũng trong nghiên cứu mới, so sánh hộp sọ của hai loài động vật cho thấy, từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, hộp sọ của hai loài động vật này không chỉ giống nhau mà còn theo một mô hình phát triển tương tự.

Nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng cách các loài thú có túi được sinh ra, phát triển trong một chiếc túi, đặt ra những giới hạn về mức độ đa dạng của hộp sọ của chúng. Nghiên cứu mới này cho thấy không chỉ sự tiến hóa hội tụ có thể diễn ra ở những loài động vật khác biệt về mặt giải phẫu, mà những loài thú có túi có thể tiến hóa hộp sọ hoàn toàn khác biệt với nhau.

Sự so sánh giữa hai loài là một ví dụ hấp dẫn có thể được sử dụng để nghiên cứu sự xuất hiện của quá trình tiến hóa hội tụ một cách rộng rãi hơn.

"Bằng cách so sánh toàn bộ chuỗi tăng trưởng từ con non đến trưởng thành, chúng tôi có thể hình dung những khác biệt nhỏ trong quá trình phát triển xác định thời điểm và vị trí trong hộp sọ thích nghi với động vật ăn thịt phát sinh ở cấp độ tế bào", nhà sinh vật học và cổ sinh vật học Christy Hipsley ở Bảo tàng Victoria và Đại học Melbourne ở Úc cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm