Loài cá mập có niên đại 325 triệu năm làm hé lộ lịch sử hành tinh
(Dân trí) - Ở sâu bên trong lòng đất tiểu bang Kentucky (Mỹ), ẩn chứa một kho báu cổ sinh vật thu hút sự chú ý của giới khảo cổ học.
Vườn Quốc gia Hang Mammoth nổi tiếng dài nhất thế giới với 686km hang ngầm. Nó được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1981, một địa điểm thu hút khách du lịch toàn cầu.
Nó cũng là khu vực nơi lưu giữ những dấu tích có niên đại hàng triệu năm, được coi như một nhân chứng của quá khứ khi vùng đất này bị nhấn chìm dưới làn nước của một vùng biển cổ.
Kể từ khi bắt đầu khai quật hang Mammoth, các nhà cổ sinh vật học đã xác định được trên 70 loài cá cổ đại.
Mới đây, họ tiếp tục phát hiện thêm một khám phá thu hút sự chú ý của giới khoa học.
Những khám phá đặc biệt đến từ 2 loài cá mập thời tiền sử có tên là Troglocladodus trimblei và Glikmanius careforum, niên đại lên tới 325 triệu năm.
Troglocladodus trimblei là một loài động vật khổng lồ của vùng biển cổ đại, có chiều dài tối đa 3,6 mét. Cơ thể chúng sở hữu hàm răng sắc nhọn.
Trong khi, loài Glikmanius careforum, với bộ hàm khỏe giúp chúng săn mồi các loài cá mập nhỏ, cá orthocones (tổ tiên của mực).
Những phát hiện này thách thức kiến thức của chúng ta về quá trình tiến hóa của cá mập, cho thấy một số loài có thể đã xuất hiện sớm hơn nhiều so với những gì con người nghĩ.
Hóa thạch của những con cá mập này đã được tìm thấy ở những vùng ngập nước trước đây, cách bờ biển ngày nay hàng nghìn km.
Điều này chứng minh, 325 triệu năm trước, 2 tiểu bang của Hoa Kỳ là Kentucky và Alabama giáp với một vùng biển thịnh vượng, một phần của tuyến đường biển nối Bắc Mỹ, Châu Âu và Bắc Phi.
Tuy nhiên, những vùng nước này biến mất cùng với sự hình thành của siêu lục địa Pangea, sau sự va chạm giữa các mảng kiến tạo.
Khám phá đáng chú ý này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu ở những nơi đôi khi không ngờ tới, tiết lộ những bí mật bị chôn giấu hàng triệu năm.
Và hang Mammoth tiếp tục là nguồn thông tin vô giá về lịch sử hành tinh chúng ta.