Linh hồn cân nặng bao nhiêu?

Phạm Hường

(Dân trí) - Truyền thuyết kể rằng linh hồn của một người nặng 21 gam. Sự thật có phải như vậy không?

Linh hồn cân nặng bao nhiêu? - 1

Truyền thuyết kể rằng linh hồn của một người nặng 21 gam. (ảnh: Mike Ramirez / EyeEm)

Một linh hồn vĩnh cửu là một khái niệm đầy quyền lực. Nhiều tôn giáo lấy đó làm điểm cốt lõi và nhiều người coi linh hồn là niềm tin an ủi sâu sắc khi họ phải đối mặt với mất mát.

Có lẽ vì thế mà một số người không bằng lòng khi chỉ gắn linh hồn với đức tin, mà họ tìm kiếm những lý giải khoa học để chứng minh linh hồn thực sự tồn tại. Nếu bạn đã từng nghe nói rằng linh hồn nặng 21 gam, thì đó không chỉ là sự kiện trên phim ảnh hay sách truyện, mà đó là kết quả của một trong những thí nghiệm khá kì lạ.

Vậy linh hồn thực sự nặng bao nhiêu? Sự thực là khoa học chưa thể chứng minh linh hồn có tồn tại và các nhà khoa học chưa thể cân được linh hồn, nhưng một câu chuyện về một bác sỹ đã bỏ công sức để cân linh hồn cũng rất đáng để chúng ta quan tâm.

Câu chuyện bắt đầu vào cuối thế kỷ trước ở Dorchester, một khu phố ở Boston, Mỹ. Một bác sĩ danh tiếng tên là Duncan MacDougall bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng nếu con người có linh hồn thì linh hồn hẳn phải chiếm một chỗ. Và nếu nó chiếm một chỗ thì nó phải có khối lượng.

Chỉ có một cách để tìm ra, bác sỹ Duncan MacDougall suy luận "vì trong giả định này, vật chất tạo nên linh hồn được liên kết hữu cơ với cơ thể cho đến khi người đó chết, cho nên có thể cho rằng nó phải là một dạng vật chất có khối lượng, và vì thế có thể biết được nó nặng bao nhiêu bằng cách cân một người sau khi chết". Ông đã viết như vậy trong bài báo khoa học mà ông đã công bố vào năm 1907.

Bác sỹ MacDougall đã hợp tác với bệnh viện Consumptive Home, một bệnh viện từ thiện chuyên chữa trị cho bệnh nhân bệnh lao giai đoạn cuối, một căn bệnh không thể chữa khỏi vào thời điểm đó. Ông giải thích trong bài báo của mình rằng bệnh lao là một căn bệnh rất phù hợp cho thí nghiệm của ông, bởi vì bệnh nhân chết trong tình trạng "kiệt sức quá mức" và không có bất kỳ cử động nào làm cho cân có thể lắc lư.

Bệnh nhân đầu tiên mà bác sỹ MacDougall làm thí nghiệm là một người đàn ông qua đời ngày 10/4/1901 với mức giảm trọng lượng đột ngột 21,2 gam ngay sau khi chết. Và trong khoảnh khắc đó, huyền thoại 21 gam đã ra đời. Những con số tiếp sau đó về sự thay đổi trọng lượng của người bệnh sau khi chết không ảnh hưởng đến con số 21 huyền thoại. Bệnh nhân tiếp theo chỉ giảm có 14 gam sau khi ngừng thở 15 phút. Người thứ 3 có 2 lần giảm trọng lượng là 14 gam và sau đó là 28,3 gam chỉ cách nhau có 1 phút giữa 2 lần cân.

Ông đã loại bỏ trường hợp thứ 4 là một phụ nữ chết vì bệnh tiểu đường, vì cân không được hiệu chỉnh tốt, một phần là do "rất nhiều sự can thiệp của những người phản đối công việc của tôi". Trường hợp thứ 5 mất 10,6 gam nhưng cân bị trục trặc ngay sau đó khiến cho một số người đặt câu hỏi về con số cân nặng này. Trường hợp thứ 6 bị loại vì bệnh nhân chết trong khi ông vẫn đang cân chưa xong.

Sau đó ông còn lặp lại thí nghiệm của mình trên 15 con chó và không hề thấy có sự thay đổi nào về trọng lượng. Điều này khiến ông cho rằng chắc chắn chó không được lên thiên đường.

Ông đã báo cáo kết quả thí nghiệm của mình trên tạp chí Y khoa Hoa Kỳ và tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu ngoại cảm Hoa Kỳ vào năm 1907.

Những câu hỏi không có lời giải

Nghiên cứu của bác sỹ McDougall có quy mô số lượng mẫu rất nhỏ vì thế ngay cả vào thời điểm đó, nhiều người rất nghi ngờ kết quả ông đưa ra. Bản thân ông cũng thừa nhận rằng cần có thêm nhiều thí nghiệm để xác nhận rằng linh hồn có khối lượng. Nhưng không ai tiến hành thêm thí nghiệm nào cả, một phần vì lý do đạo đức và một phần vì các thí nghiệm này hơi kì quặc.

Đầu năm 2000, một chủ trang trại ở Oregon, Mỹ, đã cố gắng làm lại các thí nghiệm cân linh hồn với 12 con cừu và nhận thấy hầu hết khối lượng của chúng đều tăng từ 30 đến 200 gam, nhưng chỉ vài giây sau khối lượng của chúng lại quay về như cũ. Sự việc này đã được ghi lại trong cuốn sách của tác giả Mary Roach "Kinh hoàng: Khoa học giải thích về kiếp sau" ra mắt năm 2005.

Tác giả cuốn sách cũng cho biết Tiến sỹ Gerry Nahum, một kỹ sư hóa học và là bác sỹ của Đại học Y khoa Duke khi đó đã phát triển một giả thuyết rằng linh hồn, hay ít nhất là ý thức, phải được liên kết với thông tin, tức là nó tương ứng với một khối lượng năng lượng nhất định nào đó. Vì phương trình E = mc ^ 2 quy định rằng năng lượng bằng khối lượng nhân với tốc độ ánh sáng bình phương (công thức của Einstein) cho nên về cơ bản, năng lượng này có thể cân được bằng dụng cụ điện từ đủ nhạy. Cho đến năm 2007, Tiến sỹ Nahum không nhận được tài trợ cho các thí nghiệm để chứng minh nhận định của ông là đúng hay sai.

Nói ngắn gọn là khoa học chưa xác định được trọng lượng của linh hồn cũng như linh hồn có tồn tại hay không, và cơ hội giải thích vẫn thuộc về đức tin tôn giáo.

Theo www.livescience.com