Liệu có phải đàn ông sống lý trí hơn phụ nữ hay không?
"Đàn ông thường sống lý trí hơn phụ nữ" dường như đã là một "chân lý" được ấn định và lưu truyền từ xa xưa. Tương tự như quan niệm cho rằng các chàng trai thì thường giỏi các môn tự nhiên còn các cô gái lại hợp với các môn xã hội.
Tuy nhiên, theo khoa học thì mọi chuyện là không hẳn là như vậy. Một bài viết trên The Paper đã phân tích rằng khuôn mẫu về giới tính chỉ ghi nhận những đặc điểm khác nhau đơn giản nhất giữa nam và nữ chủ yếu liên quan đến vật chất, sinh học.
Những khác biệt về mặt sinh lý, cá tính, cách suy nghĩ, năng lực, sở thích, thiên hướng... không hề có ranh giới rõ ràng để phân chia hai giới. Nói đơn giản hơn, chẳng có cơ sở khoa học nào chứng minh rằng: "Đàn ông lý trí và đàn bà cảm tính!
Các nghiên cứu mang quy mô toàn cầu cho thấy trong tất cả các bậc học (từ tiểu học đến nghiên cứu sinh), dù là môn toán, môn ngữ văn hay các môn khoa học khác, thành tích học tập của nữ giới đều tốt hơn nam giới.
Nhưng chúng ta vẫn có thể hoài nghi bởi nếu là phụ nữ bạn sẽ tự cảm thấy tư duy logic yếu hơn nam giới một chút và thường bị gọi là "cảm tính," không quyết đoán, thậm chí bạn cũng thường cảm nhận được những điều này từ những người phụ nữ bên cạnh. Nhưng liệu những gì bạn cảm nhận được có phải là sự thật?
Nữ giới có thường bị dao động cảm xúc? Câu trả lời là có, bởi mối quan hệ của các chu kỳ kinh nguyệt. Cảm xúc của phụ nữ thật sự có thể thay đổi do những thay đổi nội tiết. Nhưng liệu đây có phải là yếu tố khiến nữ giới cảm tính hơn nam giới?
Các nhà nghiên cứu đã đi từ vấn đề tìm hiểu thế nào là lý trí và chỉ ra rằng, không phải cứ thường xuyên khóc lóc thảm thiết để thể hiện cảm xúc thì đồng nghĩa với việc không lý trí? Đơn giản là do mỗi người có những cách biểu đạt cảm xúc khác nhau.
Nam giới hay nữ giới cũng đều là con người, tâm trạng đều chịu ảnh hưởng từ nội tiết tố. Đàn ông không phải là những người sống lý trí hơn. Họ cũng có tính khí thất thường do sự thay đổi nội tiết tố nhưng có điều cách biểu lộ khác nhau.
Sự khác nhau này, theo đó chính là hình thành từ quan niệm sai lầm và bị khuôn mẫu áp đặt lên tư duy giáo dục của gia đình, nhà trường với con trẻ.
Theo những nghiên cứu về trẻ sơ sinh, trong giai đoạn sơ sinh hoàn toàn không có sự khác biệt rõ nét về khả năng tương tác, kỹ năng giao tiếp, khả năng cảm nhận tình cảm giữa bé trai và bé gái.
Nhưng những định kiến khuôn mẫu "vô hình" được tạo ra từ nhiều thế hệ khiến chúng ta luôn áp đặt cho con trẻ là: con gái phải như thế này, con trai phải như thế kia.
Chính bởi sự "áp đặt giới" này đã ảnh hưởng đến phát triển tâm sinh lý của trẻ và hạn chế sự bộc lộ sắc tháo cá tính của con người, vốn là vô cùng phong phú.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra phái nam đã bị tồn đọng các vấn đề về tâm trạng nặng nề hơn khi họ được "giáo dục" luôn phải kiềm chế cơn giận, phải cứng rắn và tỏ ra mình là "mạnh mẽ." Điều này dẫn đến họ đã có những thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu... thậm chí là những hành vi nghiêm trọng hơn để giải tỏa.
Ở chiều ngược lại, nhiều phụ nữ do bị ức chế bởi định kiến "cảm tính" đã cố tình thu hẹp, kìm nén cảm xúc và khiến trở nên cô độc hoặc rơi vào trạng thái stress kéo dài.
Vậy thì, hãy quẳng lý trí lẫn cảm tính ra một bên, đừng nghĩ là đàn ông thì phải cứng rắn, đàn bà thì cần dịu dàng... điều này sẽ khiến bạn cũng như những người khác tồn tại dễ dàng hơn./.
Theo Vietnam+