Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia thúc đẩy tình trạng khẩn cấp về khí hậu
(Dân trí) - Một chuỗi thảm họa khí hậu xảy ra trong mùa hè qua như sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt, siêu bão… tàn phá thế giới, Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia tăng cường hành động để cứu hành tinh của chúng ta.
Trong buổi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về Tham vọng Khí hậu, được tổ chức vào ngày 20/9 tại New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, một lần nữa kêu gọi những nỗ lực sâu sắc của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Tổng thư ký nhắc lại, chúng ta cần phải thực hiện lời hứa mà các nước thuộc Liên Hợp Quốc tuyên bố trước khi kết thúc thế kỷ này, nhiệt độ trung bình toàn cầu không cao hơn mức 2,8⁰C.
Hiệp ước Đoàn kết về Khí hậu, đề xuất với những quốc gia phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới cần rút ngắn thời hạn, hướng tới lượng khí thải ròng bằng 0 từ năm 2050 đến năm 2040 và giúp các nền kinh tế mới nổi chuyển mục tiêu này từ năm 2060 sang khoảng thời gian gần hơn, dự kiến vào năm 2050.
"Quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang được tiến hành, nhưng con người đã chậm hàng thập kỷ", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Theo ông Antonio Guterres, thế giới phải ngừng lãng phí thời gian khoanh tay đứng nhìn hành tinh đang bị tổn thương, nhanh chóng hành động nhằm chấm dứt lòng tham lợi ích kinh tế từ việc sống nhờ vào nhiên liệu hóa thạch.
Lằn ranh đỏ trong việc "tẩy xanh"
Thuật ngữ "tẩy xanh" (greenwashing) hiểu nôm na là cách một công ty, một tổ chức thể hiện hình ảnh về công ty, sản phẩm, dịch vụ, hoặc chính sách mang lớp vỏ bọc "thân thiện với môi trường"... nhưng được coi là không có cơ sở hoặc cố ý gây hiểu nhầm.
Tại hội nghị của Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Werner Hoyer, cảnh báo: "Hành động vì khí hậu không thể trở thành chủ nghĩa thực dân 2.0. Là người châu Âu, chúng ta không thể chỉ khai thác tài nguyên khu vực miền Nam để sản xuất năng lượng xanh như hydro hoặc khai thác mỏ nguyên liệu sản xuất pin và điện khí hóa.
Châu Âu cần hợp tác bình đẳng để cùng nhau tìm kiếm cơ hội và chúng ta cần thành thật về điều này ngay từ đầu".
Tại Hội nghị, các chuyên gia Liên Hợp Quốc, đưa ra báo cáo "Các vấn đề về tính liêm chính", nhằm mục đích vạch ranh giới đỏ xung quanh việc "tẩy xanh".
Tổng thư ký, Antonio Guterres, lập luận: "Chúng tôi cần mọi doanh nhân, nhà đầu tư, lãnh đạo thành phố, tiểu bang và các quốc gia hướng tới lời hứa về lượng phát thải ròng bằng không. Liên Hợp Quốc không còn có thể chấp nhận những đất nước đi chậm trong việc chống biến đổi khí hậu, gian lận và bất kỳ hình thức tẩy xanh nào".
Báo cáo vẽ ra một ranh giới đỏ, theo đó các quốc gia, công ty tư nhân không thể đạt mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng không nếu họ tiếp tục đầu tư hoặc xây dựng vào lĩnh lực nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, yêu cầu thế giới phải tuân thủ một yêu cầu nghiêm ngặt.
Ở Pháp, công ty Total là một ví dụ hoàn hảo về quá trình "tẩy xanh", công ty có các khoản đầu tư vào các mỏ dầu mới, chẳng hạn ở Châu Phi, đối trọng với các dự án của công ty triển khai năng lượng mặt trời và gió.
Nhà khí hậu học, Jean Jouzel bày tỏ, thị trường dầu mỏ vẫn còn đó, nhu cầu của con người ngày càng tăng, nếu Total không đáp ứng được yêu cầu thị trường thì các công ty khác sẽ có những hành động tương tự, thậm chí họ làm theo cách kém thân thiện với môi trường hơn nhiều.
Trong bối cảnh này, một nghiên cứu chuyên sâu về 300 chính sách công trên toàn thế giới trong các tập đoàn đã dự báo chuyển đổi khí hậu do tổ chức IPR thực hiện.
IPR là tập hợp các tổ chức phi chính phủ như Carbon Tracker, Planet Tracker bao gồm cả các tập đoàn tài chính như BlackRock, BNP Paribas Asset Management và cơ quan xếp hạng Fitch.
Theo tổ chức này, các sáng kiến thực hiện và các mục tiêu được thông qua sẽ cho phép nhân loại tôn trọng Thỏa thuận Khí hậu Paris, do đó duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2⁰C vào cuối thế kỷ này.
"Điều chúng tôi nhận thấy, nếu các quốc gia trên thế giới cam kết thực hiện tốt các thỏa thuận liên quan đến biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu nhiệt độ trung bình toàn cầu không vượt quá 1,8 độ C vào cuối thế kỷ này", Jacob Thomä , đại diện IPR cho biết.
IPR lưu ý, mục tiêu mức tăng không quá 1,5⁰C sẽ thất bại trong vòng mười năm tới.
Các quốc gia cần nỗ lực gấp 3 để giữ mục tiêu nhiệt độ tăng không quá 2 độ C
Thỏa thuận Khí hậu Paris, ra đời vào năm 2015, nhằm mục đích hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C.
Theo một nghiên cứu mới, để đạt được điều này, các quốc gia cần hành động tăng gấp ba mức nỗ lực nếu họ muốn tôn trọng mục tiêu 2 độ C và tăng gấp năm lần để tự giới hạn ở mức 1,5 độ C.
Chặng đường phía trước còn rất dài vì hiện tại, những cam kết của 197 bên ký kết thỏa thuận đang dẫn chúng ta vào một quỹ đạo nóng lên hơn 3 độ vào năm 2100.
Theo IPR, 90% chính sách được triển khai trong 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phù hợp với thỏa Thuận Khí hậu Paris, con số này đối với các quốc gia không phải thành viên là 40%.
Một trong số những bài học chính của nghiên cứu này là sức ảnh hưởng áp đảo của Trung Quốc và Ấn Độ. Jacob Thomä, đảm bảo rằng một nửa chặng đường để đạt được mức dưới 2⁰C phụ thuộc vào việc ngừng đốt than ở hai quốc gia đông dân nhất hành tinh và điều này sẽ xảy ra ít nhiều trong thời gian dài.
Nghiên cứu cũng yêu cầu việc chấm dứt nạn phá rừng toàn cầu cũng phải được đẩy nhanh, điều này vẫn chưa đạt được.
Jacob Thoma giải thích: "Phần lớn thành công của chương trình nghị sự về khí hậu nằm ở việc khôi phục lại thiên nhiên, chấm dứt nạn phá rừng, nhân rộng các giải pháp dựa vào thiên nhiên và chuyển đổi nông nghiệp xanh".
Nhóm nghiên cứu kết luận, chúng ta có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu, đạt được các mục tiêu trong các thỏa thuận khí hậu nếu các quốc gia thực hiện những chính sách đã quyết định trong thời gian qua.