Cảnh báo nguy cơ thế giới trải qua cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Trong 500 năm qua, những hoạt động từ con người đã dẫn đến sự tuyệt chủng 73 chi động vật có xương sống, chúng xảy ra nhanh hơn 35 lần so với khi không có con người.

Cảnh báo nguy cơ thế giới trải qua cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 - 1

Hoạt động của con người khiến nhiều loài tuyệt chủng trong 500 năm qua (Ảnh minh họa: Huffington Post).

Sự mất mát này có thể tăng nhanh trong những năm tới, hậu quả đối với sinh quyển có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều so với biến đổi khí hậu. Tuyệt chủng hàng loạt trong 500 triệu năm qua đã xóa sổ toàn bộ các nhánh của cây phát sinh sự sống, theo mô hình Darwin.

Các nhà khoa học, cho biết hành tinh phải mất thêm hàng triệu năm nữa để quá trình tiến hóa, tạo ra những thay thế về chức năng cho những loài này, nhằm duy trì sự cân bằng hệ sinh thái quan trọng trong sinh quyển. 

Không giống như 5 sự kiện trước, lần tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu (hiện tại) là do sự phát triển nhanh chóng của một loài duy nhất đó là con người (Homo sapiens).

Trong thế kỷ qua, hoạt động của con người và sự gia tăng dân số đã làm biến đổi môi trường nghiêm trọng.

Hầu hết các hệ sinh thái đã bị thay đổi hoàn toàn hoặc bị phá hủy, dẫn đến sự tuyệt chủng của hàng ngàn loài, hậu quả của chúng đối với sinh quyển là rất thảm khốc.

Sự biến mất của các loài và toàn bộ các nhánh ảnh hưởng đáng kể đến cấu hình của "cây sự sống" (theo Darwin). Nó thay đổi quá trình tiến hóa bằng cách làm gián đoạn những con đường thay đổi sinh học độc đáo. 

Điều này có những hậu quả đáng kể đến đặc điểm hình thái và sinh thái của các loài còn lại và tương lai, tạo ra hàng loạt tác động tiêu cực đến các chức năng của hệ sinh thái, điều cần thiết cho khả năng sinh sống của hành tinh chúng ta.

Tuy nhiên, thông tin liên quan đến mối quan hệ phát sinh loài và các quá trình sinh thái tương quan có sẵn rất không đồng đều. 

Lý do tập trung chủ yếu vào các loài đã tuyệt chủng và có nguy cơ tuyệt chủng. Kết quả là chúng ta thiếu những hiểu biết thực sự về quy mô và tác động của sự biến mất từ toàn bộ các nhánh của "cây sự sống". 

Nghiên cứu mới do Đại học Stanford (Mỹ) và Đại học Quốc gia Mexico, thực hiện làm sáng tỏ hơn về chủ đề này và tiết lộ những con số đáng báo động.

Tỷ lệ tuyệt chủng cao gấp 35 lần so với bình thường

Các chuyên gia đã phân tích 5.400 chi động vật có xương sống (trừ cá), bao gồm 34.600 loài, phát hiện ra 2 bộ, 10 họ và 73 chi động vật bốn chân (bao gồm động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư) đã tuyệt chủng trong 500 năm qua. 

Phần lớn thiệt hại được ghi nhận ở các loài chim, tiếp theo là động vật có vú, lưỡng cư và bò sát. Nhóm nghiên cứu, cho biết hầu hết sự mất mát chung đã xảy ra trong hai thế kỷ qua, khi dấu chân của con người trên hệ sinh thái đã tăng theo cấp số nhân. 

Tỷ lệ tuyệt chủng này cao gấp 35 lần so với tỷ lệ dự kiến trong tự nhiên, nghĩa là trong trường hợp không có tác động của con người.

Cảnh báo nguy cơ thế giới trải qua cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 - 2

Vượn cáo cổ khoang đen trắng, tên khoa học: Varecia variegata đang cực kỳ nguy cấp (Ảnh: Futura Science).

Hiện nay, các hoạt động nhân tạo săn trộm, hủy hoại môi trường sống, thâm canh nông nghiệp, đô thị hóa diễn ra khó kiểm soát và những vấn đề tiêu cực lớn đi kèm như sự nóng lên toàn cầu, khiến tốc độ tuyệt chủng này sẽ tăng nhanh. 

Nếu tất cả các chi hiện đang bị đe dọa biến mất vào năm 2100, điều này có nghĩa là tỷ lệ tuyệt chủng cao hơn 354 lần so với mức tự nhiên, con số này đối với động vật có vú là hơn 511 lần. 

Điều đó có nghĩa là nếu không có con người, các chi này thông thường sẽ mất 106.000 năm để tuyệt chủng, 153.000 năm đối với động vật có vú.

Việc cắt bỏ các nhánh của "cây sự sống" thể hiện mối đe dọa đáng kể đối với sinh quyển. Các chuyên gia, ước tính rằng hậu quả của những mất mát sắp xảy ra này sẽ lớn hơn đáng kể so với những hậu quả gây ra trong 500 năm qua. 

"Việc cắt xén cây sự sống và dẫn đến việc mất đi các dịch vụ hệ sinh thái do đa dạng sinh học cung cấp cho nhân loại tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của nền văn minh", nhóm nhà khoa học cảnh báo. 

Mỗi loài đóng một vai trò rất cụ thể trong một hệ sinh thái, sự tuyệt chủng có nghĩa là dịch vụ hệ sinh thái mà nó cung cấp đơn giản là không còn tồn tại, điều này phá vỡ sự cân bằng đa dạng sinh học. 

Điển hình như loài vượn cáo cổ khoang đen trắng (tên khoa học: Varecia variegata) đang cực kỳ nguy cấp, đây là động vật có vai trò rất quan trọng với hệ sinh thái rừng Madagascar khi giúp phân tán phấn hoa và hạt giống, sự biến mất của chúng sẽ dẫn đến một loạt tổn thất đáng kể đối với môi trường xã hội và kinh tế. 

Và trong khi một số loài biến mất, những loài khác lại sinh sôi nảy nở và xâm lấn môi trường sống, điều này thúc đẩy lan truyền bệnh từ động vật sang người. 

Ở Trung Mỹ, sự suy giảm số lượng loài lưỡng cư điều hòa quần thể muỗi đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh sốt rét.

"Nếu chúng ta muốn ngăn chặn sự tuyệt chủng này và hậu quả đối với xã hội, các quốc gia cần phải hành động ngay lập tức. Những gì xảy ra trong hai thập kỷ tới rất có thể sẽ xác định tương lai của đa dạng sinh học và Homo sapiens", nhóm nghiên cứu kết luận.

Không giống như vụ va chạm của tiểu hành tinh dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long, chúng ta vẫn còn thời gian để thay đổi mọi thứ.

Trong quá khứ, hành tinh của chúng ta đã trải qua 5 cuộc đại tuyệt chủng, đầu tiên là sự kiện Ordovic-Silurian (444 triệu năm trước), xóa sổ 85% sự sống trên Trái Đất; tiếp đó, cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Devon (383-359 triệu năm trước), khiến 75% các loài trên Trái Đất biến mất trong khoảng thời gian 20 triệu năm.

Thứ ba là cuộc tuyệt chủng kỷ Permi-Trias (252 triệu năm trước), 97% các loài (để lại hóa thạch) biến mất vĩnh viễn. Sự kiện tuyệt chủng kỷ Jura-Trias (201 triệu năm trước), 80% tất cả các loài sinh vật biển và đất liền bị xóa sổ, phần lớn là do quá trình axit hóa các đại dương trong kỷ Trias. 

Và cuối cùng là cuộc tuyệt chủng kỷ Phấn trắng-Paleogen (66 triệu năm trước), đánh dấu sự kết thúc của triều đại khủng long.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm