Lần đầu trích xuất thành công bộ gene người cổ đại 5.700 năm tuổi hoàn chỉnh

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu từ Đại học Copenhagen đã thành công trong việc trích xuất một bộ gene người cổ đại hoàn chỉnh từ một loại kẹo cao su đặc biệt từ cây bạch dương có niên đại 5.700 năm tuổi.

Trong quá trình khai quật trên đảo Lolland ở Đan Mạch, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một loại kẹo cao su 5.700 năm tuổi được làm từ cây bạch dương. Và từ mẫu kẹo cao su cổ đại này, các nhà khoa học đã thành công trong việc trích xuất một bộ gene người cổ đại hoàn chỉnh.

Lần đầu trích xuất thành công bộ gene người cổ đại 5.700 năm tuổi hoàn chỉnh - 1
Hình ảnh loại kẹo cao su cổ đại được tìm thấy.

Đây là lần đầu tiên toàn bộ bộ gene người cổ đại được chiết xuất từ ​một thứ khác ngoài xương người. Kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.

“Thật đáng kinh ngạc khi có được một bộ gene người cổ đại hoàn chỉnh từ bất cứ thứ gì khác ngoài xương. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã lấy được DNA từ các vi khuẩn trong miệng và một số mầm bệnh quan trọng ở người, khiến cho đây là nguồn DNA cổ rất quý giá, đặc biệt là trong những khoảng thời gian mà chúng tôi không còn hài cốt của con người”, giáo sư, giáo sư Hannes Schroeder từ Đại học Copenhagen, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.

Dựa trên bộ gene, các nhà nghiên cứu có thể nói rằng cây bạch dương được nhai bởi một người phụ nữ. Người này có liên quan chặt chẽ về mặt di truyền với những người săn bắn hái lượm từ lục địa châu Âu hơn là những người sống ở trung tâm Scandinavia vào thời điểm đó. Họ cũng thấy rằng cô ta có thể có làn da đen, tóc đen và mắt xanh.

Loại “kẹo cao su” cổ đại là một chất màu nâu đen được sản xuất bằng cách làm nóng vỏ cây bạch dương. Nó thường được sử dụng trong thời tiền sử cho các công cụ bằng đá như một loại keo đa năng.

Những mảnh của kẹo cao su cổ đại này được tìm thấy với những dấu ấn răng cho thấy rằng chúng đã được nhai.

Các tác dụng khác của loại kẹo cao su cổ đại được phỏng đoán như việc nó đã được sử dụng để giảm đau răng hoặc các bệnh khác vì nó có tính sát trùng nhẹ. Một số giả thuyết khác cho rằng, người cổ đại có thể đã sử dụng nó như một loại bàn chải đánh răng thời tiền sử, để trấn áp cơn đói, hoặc chỉ để vui như một viên kẹo cao su.

Kẹo cao su cổ đại từ cây bạch dương cũng được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ tại Syltholm, phía đông Rødbyhavn ở miền nam Đan Mạch. Các cuộc khai quật đang được Bảo tàng Lolland-Falster thực hiện liên quan đến việc xây dựng đường hầm Fehmarn.

Minh Long

Theo Scitech Daily