Làm gì để đối phó với đồng nghiệp không hợp tác?
(Dân trí) - Đưa chuyện trong văn phòng, không tương trợ lẫn nhau, gây khó dễ,... – ai trong chúng ta cũng có lần gặp phải đồng nghiệp như vậy. Những người này giống như những kẻ đánh cắp sức khỏe tinh thần của bạn và nếu bạn không cẩn thận, họ có thể hủy hoại toàn bộ kết quả làm việc của bạn.
Dưới đây là 7 “phương kế” mà những người mạnh mẽ thường áp dụng để đối phó khi gặp đồng nghiệp thiếu hợp tác.
1. Tập trung kiểm soát bản thân, không quá chú ý đến những người xung quanh
Cấp trên bất ngờ tạo điều kiện, đồng nghiệp ngừng nói lan man trong cuộc họp, chị em văn phòng kế bên hết đưa chuyện, ... nghĩ đến đã thấy nhẹ người. Tuy nhiên, bạn chẳng thể kiểm soát được người khác làm gì, và cứ ngồi mong đợi họ tiến bộ chỉ rút kiệt thời gian và sức lực của bạn mà thôi.
Vì thế, khi mà mình không kiểm soát được người khác thì hãy kiểm soát cách ứng xử của mình đối với họ. Cho dù bạn quyết định là sẽ nói thẳng với họ hay giữ im lặng thì cũng nên nghĩ đến phương án tích cực.
2. Cố gắng kiềm chế, không phàn nàn
Mỗi người có cách của mình để giải tỏa bức bối, nhưng việc kêu ca sẽ chỉ làm cho bạn nghĩ nhiều đến nỗi bực bội đó mà không tìm ra giải pháp.
Nhất là việc mách với cấp trên, bạn càng phải đặc biệt cẩn trọng. Kêu ca phàn nàn với cấp trên không chỉ thể hiện rằng bạn không có khả năng kiểm soát tình hình mà còn cho thấy bạn thiếu khả năng kiềm chế thái độ của bản thân, cho nên thay vì phàn nàn hãy đưa ra giải pháp.
3. Chấp nhận rằng mình cảm thấy thế nào là do mình, nói cách khác là cảm xúc của mình do mình chi phối
Nếu cho rằng chính là đồng nghiệp làm cho bạn khó chịu hay đổ lỗi cho cấp trên khiến cho bạn bực mình thì chỉ thể hiện một điều là những người khác có khả năng kiểm soát cảm xúc của bạn.
Cho dù đồng nghiệp có khó tính đến đâu, đừng để việc làm của họ chi phối cảm xúc của bạn. Hãy chấp nhận rằng đó là tùy ở cách bạn kiểm soát cảm xúc của mình, bất kể người khác cư xử ra sao.
4. Đừng mất thời gian cho những suy nghĩ không mang lại lợi ích, giải pháp
Đã bao giờ bạn đi làm về và mất cả buổi tối nghĩ đi nghĩ lại về những câu nói giữa bạn với người đồng nghiệp gây khó chịu kia chưa, hay là bạn mất nửa ngày Chủ nhật lo lắng làm cách nào để xử lí vấn đề đó khi trở lại làm việc vào ngày Thứ hai đầu tuần chưa? Nếu có, thì chính là bạn đang cho phép người đồng nghiệp khó ưa kia xâm phạm thời gian riêng tư của bạn.
Nếu bạn thấy mình đang rơi vào tình trạng đó, hãy hành động ngay lập tức. Đi lau dọn nhà cửa, gọi điện cho một người bạn để trò chuyện về một việc gì đó khác, hoặc đi ra ngoài tập thể dục hoặc đi dạo, v.v. hãy làm bất cứ việc gì khác để thay đổi “kênh” suy nghĩ cho bộ não của bạn.
5. Tránh nói những điều thể hiện rằng mình là nạn nhân
Nói những câu như là “tôi phải làm việc 60 giờ mỗi tuần bởi vì đồng nghiệp không biết việc” hay là “tôi đành phải nói đồng ý bởi vì hắn ta ngốc lắm” thể hiện là bạn buộc lòng phải làm những việc mà bạn không muốn. Và việc này có thể tạo ra những cảm giác là bạn chẳng tự làm được gì.
Nhưng nếu bạn thay đổi cách nói cho thấy rằng bạn là người kiểm soát thì bạn sẽ có khả năng xử lí tình huống tốt hơn. Hãy công nhận rằng bạn không muốn làm việc muộn nhưng bạn chọn cách đó bởi vì bạn không muốn mất việc hoặc vì bạn nhận thấy rằng bạn không thể nói “không” với người kia. Tuy nhiên, làm như vậy cũng có rủi ro khiến công việc của bạn về lâu dài là không tiến bộ.
6. Thiết lập những ranh giới lành mạnh
Cần thiết lập những ranh giới để xác định rõ mong muốn của bạn đến đâu. Nếu bạn bị ai đó ngắt lời khi đang trình bày tại một cuộc họp, hãy nói “tôi đang nói dở và anh/ chị đã ngắt lời tôi. Tôi đang nói nốt những điều cần trình bày.”
Hoặc nếu một đồng nghiệp thường xuyên đem chuyện trên trời dưới biển ra kể với bạn, hãy nói “mấy chuyện này giống như chuyện thiên hạ ngồi lê đôi mách và tôi không muốn nghe đâu”. Những ai không quen với việc cái gì cũng cần có giới hạn thì có thể sẽ mếch lòng với bạn, nhưng xác định những ranh giới dứt khoát sẽ tránh cho bạn khỏi gặp áp lực về sau này.
7. Thường xuyên áp dụng các kĩ năng xử lí tình huống tích cực
Ngay cả khi bạn thiết lập những ranh giới lành mạnh với những đồng nghiệp khó chịu, họ vẫn có thể tác động đến sức mạnh tinh thần của bạn. Hãy luyện tập các kĩ năng xử lí tích cực để giữ cho bạn luôn mạnh mẽ.
Hãy thử áp dụng nhiều kĩ năng khác nhau, như là lòng biết ơn và tập thiền chẳng hạn để tìm ra cách nào hợp với bạn nhất. Cũng đừng quên chăm sóc sức khỏe cho tốt. Không thể có được tinh thần khỏe mạnh nếu hủy hoại cơ thể bằng chè chén thường xuyên, thức đêm thiếu ngủ hoặc ăn nhiều đồ ăn nhanh.
Phạm Hường (Theo NBC News)