1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi

GS.TSKH Đỗ Tất Lợi được cho là người đi đầu trong việc bắc cây cầu nối giữa Y học hiện đại với Y học cổ truyền dân tộc.

Sáng 24/3, tại trường Đại học Dược Hà Nội diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đỗ Tất Lợi (28/3/1919 - 28/3/2019). Tham dự buổi lễ, có đại diện của trường Đại học Dược Hà Nội, đại diện Hiệp Hội Dược liệu Việt Nam cùng đông đảo các thế hệ học trò của GS.TS khoa học Đỗ Tất Lợi.

gs loi.jpg

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi.

GS.TSKH Đỗ Tất Lợi là nhà khoa học nổi tiếng trong nền Y Dược học Việt Nam. Ông được cho là người đi đầu trong việc bắc cây cầu nối giữa Y học hiện đại với Y học cổ truyền dân tộc. Ngoài ra, ông có nhiều công trình khoa học lớn nhỏ, trong đó công trình gây tiếng vang nhất là bộ sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" được xuất bản tập đầu tiên vào năm 1962 (đến năm 1965, bộ sách hoàn thành gồm 6 tập ).

Năm 1983, hội chợ sách Moscow đã đánh giá bộ sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" là “1 trong 7 viên ngọc quý”. Năm 1996, với bộ sách – công trình khoa học "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", GS.TS Khoa học Đỗ Tất Lợi đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt đầu tiên) của Đảng và Nhà nước.

Với những đóng góp to lớn cho hai cuộc kháng chiến, GS.TS khoa học Đỗ Tất Lợi đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huy chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

gs loi 2.jpg

Tại buổi lễ, những người tham dự, trong đó có nhiều nhà khoa học từng có cơ hội được làm việc, học tập với GS.TS khoa học Đỗ Tất Lợi đã ôn lại câu chuyện về cuộc đời bình dị của một của nhà khoa học lớn, đã cống hiến cuộc đời cho ngành Dược học nước nhà.

Câu chuyện về cuộc đời và đóng góp của GS.TS khoa học Đỗ Tất Lợi càng trở nên có ý nghĩa hơn trong thời điểm hiện nay, khi không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, xu hướng “trở về với thiên nhiên”, sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng so với việc sử dụng thuốc tây. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực đông Nam Á, có nhiều loại dược liệu được xếp vào loại quý và hiếm trên thế giới.

PGS.TS, Nhà giáo nhân dân Phan Văn Các – Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Nguyên là học trò của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi từ suốt hơn 50 năm nay chia sẻ kỷ niệm: “Năm 1969, tôi tốt nghiệp bằng một đề tài nghiên cứu về cây bạc hà ta ở Sơn La do GS Tất Lợi hướng dẫn. Kể từ ngày ra trường, tôi càng gắn bó với công việc chuyên môn của thầy nhiều hơn. Lúc nào tôi cũng nhớ đinh ninh về một vị GS, một người thầy vô cùng bình dị, hiền lành tận tụy với học trò, với  mọi người.

50 năm đã qua, những người thầy mà tôi có sự gắn bó nhiều nhất, sâu sắc nhất là thầy Đỗ Tất Lợi và thầy Vũ Văn Chuyên. Sự hợp tác khăng khít và đầy tôn trọng lẫn nhau giữa hai thầy trong công việc là tấm gương cho chúng tôi về tinh thần đoàn kết.

GS.TSKH Đỗ Tất Lợi đã từng dạy: Làm thuốc Nam phải có tấm lòng thành. Tôi còn nhớ thầy từng kể câu chuyện về việc dùng tinh chất lá cây cứt lợn, chữa viêm xoang rất hiệu nghiệm. Tuy nhiên, có người đã đem chuyện  này, đàm tiếu, hàm ý chế diễu thuốc Nam.

Trước những lời nói đó, GS Đỗ Tất Lợi đã dạy chúng tôi phải chuyên cần, tỉ mỉ  trong ghi chép, kế thừa là đạo đức của người làm thuốc Nam”.

gs loi 3.jpg

Các nhà khoa học, thế hệ học trò tặng hoa nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi.

Tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Nguyễn Thu Hằng, Trưởng bộ môn Dược liệu, trường ĐH Dược Hà Nội cho biết, phần lớn quá trình học tập và công tác của mình, GS.TSKH Đỗ Tất Lợi đã gắn bó với trường ĐH Dược nói chung và bộ môn Dược liệu nói riêng. Ông đã trở thành một tấm gương sáng cho các thế hệ giảng viên, sinh viên về phong cách sống giản dị, mộc mạc, niềm đam mê nghiên cứu các cây thuốc dân tộc, luôn đắm mình trong thế giới kỳ diệu của cỏ cây.

Ông cũng chính là một trong những người mở đường bắc cây cầu nối liền y học hiện đại với y học dân tộc Việt Nam. Thành phần hóa học, tác dụng của nhiều cây thuốc, vị thuốc đã được giải thích dưới ánh sáng của khoa học hiện đại.

Trong giai đoạn hiện nay, sự trân trọng, kế thừa và phát huy kho tàng cây thuốc dân tộc của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi luôn được các cán bộ của bộ môn dược liệu lấy làm nền tảng tư tưởng cho công việc giảng dạy, nghiên cứu của mình và còn tiếp tục lan tỏa đến các sinh viên ĐH Dược trong bài học nhập môn Dược liệu.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi, các cán bộ Bộ môn Dược liệu sẽ không ngừng nỗ lực giảng dạy và nghiên cứu theo gương ông, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Dược liệu Việt Nam.

GS.TSKH Đỗ Tất Lợi quê ở làng Phù Xá, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (nay là xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ông là tấm gương về niềm đam mê Dược liệu, là một trong các nhà khoa học Y Dược sớm tin tưởng vào thuốc Nam, tích cực tuyên truyền đề cao nền Y học dân tộc, đề cao Đại danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, dành tâm sức nghiên cứu Y học cổ truyền để tìm ra điều mà Y học hiện đại chưa biết.

Cùng với công tác giảng dạy và nghiên cứu, ông đã đề xuất và tham gia nhiều cuộc điều tra về dược liệu, đã phát hiện được nhiều dược liệu quý, có trong nước mà chưa được đề cập trong “Thực vật chí Đông Dương”.

Để phục vụ giảng dạy, năm học 1956-1957, ông đã biên soạn bộ “Dược liệu học và các vị thuốc Việt Nam”, gồm 2 tập và đã tái bản 3 lần.

Cũng để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy, năm 1965, ông hoàn thành bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” gồm 6 tập (tập 1 xuất bản vào năm 1962). Đây là công trình khoa học đồ sộ nhất của ông. Nhờ bộ sách này, ông đã được Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô phong tặng học vị Tiến sĩ khoa học, mà không cần bảo vệ luận án.

Cuộc đời và sự nghiệp của GS.TSKH Đỗ Tất Lợi gắn liền với công tác đào tạo vào nghiên cứu khoa học, sản xuất của ngành Dược, của trường ĐH Dược Hà Nội.

Theo Bích Lan/VOV