Khủng long đã vượt đại dương như thế nào?
(Dân trí) - Hai “cây cầu” bằng đất liền có thể đã giúp loài khủng long tản bộ từ Châu Âu sang Bắc Mĩ khoảng 150 triệu năm trước. Những “cây cầu” này cũng lí giải tại sao loài khủng long, thú có vú và các loài động vật khác có thể “nhảy” từ lục địa này sang lục địa khác sau khi Đại Tây Dương được hình thành khi siêu lục địa Pangaea bị chia cắt.
Leonidas Brikiatis, một nhà địa sinh học độc lập ở Palaio Faliro, Hi Lạp, cho rằng những dải đất đã làm thành hai cây cầu nối giữa Bắc Mĩ và Châu Âu vào cuối kỉ Jura, đầu kỉ Phấn Trắng. Một cây cầu trải dài từ phía đông Canada đến bán đảo Iberia, hiện nay là đất nước Tây Ban Nha, và tồn tại từ khoảng 154 triệu đến 151 triệu năm trước. Cây cầu còn lại nối liền Bắc Mĩ với bán đảo Scandinavi từ khoảng 131 triệu đến 129 triệu năm trước, theo những báo cáo của Brikiatis trong tờ Earth-Science Reviews.
Khi đánh giá những phát hiện mới về hóa thạch khủng long xuất hiện ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, ông cho biết: Những con đường này cho phép loài khủng long “tránh được thời kì thế giới chia cắt”. Ông là nhà cổ sinh vật học về động vật có xương sống ở đại học Chicago và không tham gia vào nghiên cứu này.
“Khủng long sẽ không ở yên trong một lục địa, chúng sẽ tìm cách để thoát ra ngoài. Công trình nghiên cứu này đã nói lên được hai con đường mà chúng đã đi” - Paul Sereno nói.
Các loài khủng long, bao gồm các loài thuộc chi Supersaurus và Allosaurus, có thể đã vượt đại dương cùng với các loài rùa, thằn lằn và thú có vú cổ đại. Lúc đó Đại Tây Dương hẹp hơn, và có lẽ quá xa để bơi qua. Brikiatis đã sử dụng thời điểm di cư để dự đoán khoảng thời gian tồn tại của những cây cầu và cân nhắc các con đường có thể ở thời điểm đó. Khả năng cao là do những vùng nước nông giữa đại dương, gọi là các cồn đất. Những hoạt động chia cắt lục địa có thể đã nâng các những cồn đất này lên trên mực nước biển, tạo thành những dải đất hẹp, rộng khoảng 80 đến 160km, nhà nghiên cứu Brikiatis cho biết. Dần dần, những “cây cầu” này có thể đã chìm lại xuống dưới đáy biển.
Những “cây cầu” bằng đất liền này có thể có điểm tương đồng với những lần di cư xuyên lục địa khác, chẳng hạn như cây cầu Bering mà loài người đã dùng để đi từ Châu Á sang Bắc Mĩ 23,000 năm trước, hay như eo đất Panama nối liền Bắc Mĩ và Nam Mĩ.
Nhà nghiên cứu Brikiatis cho rằng, cây cầu cổ đại nối giữa Bắc Mĩ và bán đảo Scandinavi có thể đã tồn tại cùng với một con đường khác nối giữa Châu Âu và vùng đất sau này trở thành nước Nga, tạo điều kiện cho những cuộc di cư trên khắp thế giới.
Trong khi những con đường mà nghiên cứu đề ra nhiều khả năng là có thật, thời điểm chúng xuất hiện có thể chưa chính xác, Octávio Mateus, nhà cổ sinh vật học ở đại học Nova de Lisboa, Bồ Đào Nha cho biết. Các loài động vật có thể đã di cư sớm hơn những bằng chứng hóa thạch, ông nói. “Chỉ vì chúng ta phát hiện ra chúng vào thời điểm đó không có nghĩa rằng chúng đã đến vào lúc đó. Có thể chúng đã đến hàng triệu năm trước, nhưng chúng không để lại hóa thạch”.
Những “cây cầu” cũng có thể giống như những viên đá rời rạc nằm cạnh nhau chứ không phải là một con đường liền mạch, theo nhà nghiên cứu động vật có xương sống Anne Schulp (Trung tâm Đa dạng sinh học tự nhiên Leiden, Hà Lan). “Mực nước thấp không phải không đi qua được.” Ông cho biết. “Vậy nên không cần đến một cây cầu hoàn chỉnh”.
Vân Trang (Theo ScienceNews)