Giao lưu phát động giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2016:

Khởi nghiệp, hãy xuất phát từ đam mê

(Dân trí) - Những bí quyết thành công khi khởi nghiệp đã được các diễn giả là chuyên gia, các thí sinh đã từng tham dự chương trình NTĐV qua các năm chia sẻ với gần 400 sinh viên TPHCM trong buổi giao lưu phát động giải thưởng NTĐV 2016 tại trường ĐH Khoa học tự nhiên sáng nay 10/6.

nvq-4706-1465531501212

Đại diện BTC và khách mời giao lưu với sinh viên

Năm nay, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực CNTT – Viễn thông có sự đổi mới với chủ đề CNTT góp phần “Thắp lửa khởi nghiệp". Ông Phạm Tuấn Anh, Phó tổng Biên tập báo Dân trí cho biết: "Trong 11 năm qua, hàng ngàn thí sinh tham gia dù đoạt giải cao hay thấp, hoặc thậm chí không đoạt giải, mỗi người đều rút ra được những bài học, để từ đó mỗi người có con đường khởi nghiệp của riêng mình”.

Có mặt tại hội trường từ sớm, em Ngô Phước Hải, sinh viên năm 1 ngành Công nghệ thông tin của trường ĐH Khoa học tự nhiên hào hứng cho biết em mong muốn nhận được những chia sẻ của các thế hệ đi trước về kinh nghiệm khởi nghiệp cũng như “lửa” đam mê về lĩnh vực công nghệ thông tin mà em đang theo đuổi.

Tại buổi giao lưu, chị Lê Thị Kiều Trang, giám đốc công ty Misfit Wearables, đại diện startup Việt Nam tiêu biểu đã thành công trên thị trường đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của tập thể công ty mình.

Chị Trang cho biết, với ý tưởng khởi nghiệp chú trọng vào lĩnh vực wearables, năm 2012 chị Trang đã quay về Việt Nam tìm những bạn trẻ với niềm tin ở VN có nhiều bạn trẻ giỏi khó học công nghệ nhưng chưa có điều kiên phát huy được bản lĩnh của mình. Ban đầu chỉ từ 3-4 bạn trẻ từng học ở trường ĐH Khoa học tự nhiên đến nay công ty có khoảng 130 người và đưa ra nhiều sản phẩm được thị trường tiêu dùng đón nhận. Năm 2015, Misfit được một công ty lớn về đồng hồ trên thế giới mua lại với giá 250 triệu đô.

Chị Trang “bật mí”: Nếu nhìn lại những công ty thành công và đột phá trên thị trường hiện nay sẽ thấy một điểm chung là họ thường xuất phát từ những người yêu khoa học. Nhìn lại những sản phẩm công nghệ được mọi người tự hào thì thấy rằng nó xuất phát từ niềm đam mê. Vậy thì các bạn trẻ hiện nay có nhiều lợi thế, hãy có niềm đam mê trước, mạnh dạng sáng tạo, thì sẽ có lúc đạt được sản phẩm tốt. Hãy đừng chỉ học trong kiến thức mà nghĩ đến làm sao học có thể đi đôi với hành, đặc biệt nhiều trường hiện nay có nhiều dự án giúp các bạn có khơi gợi được niềm đam mê khoa học.

Chị Kiều Trang cũng mong muốn các bạn trẻ tham gia giải NTĐV để có thể thực hiện đam mê, được làm việc nhóm và chia sẻ với những người bạn có cùng ước mơ như mình.

Trong phần giao lưu, nhiều sinh viên thắc mắc những điểm mới của giải thưởng NTĐV năm 2016 trong đó vì sao lại chọn chủ để đồng hành cùng bạn trẻ khởi nghiệp.


Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập báo Dân trí

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Tổng Biên tập báo Dân trí

Ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, qua 11 những sản phẩm của NTĐV luôn có tích thực tế, riêng năm nay là chú trọng vào những giá trị rất cụ thể. Chẳng hạn năm nay có sự tham gia của UB An toàn giao thông vào giải thưởng năm để từ đó khuyến khích các bạn có những giải pháp cho vấn đề giao thông. Năm nay chúng tôi cũng khuyến khích các bạn tập trung vào những vấn đề nóng khác trong cuộc sống đang cần.

Vấn đề khởi nghiệp là nét rất mới trong năm nay, nhiều tác giả tham gia NTĐV các năm trước đã khởi nghiệp thành công… Chính vì thế, năm nay BTC chú trọng hơn về vấn đề khởi nghiệp với sự tham gia của những điển hình thành công để giúp các bạn trẻ có cái nhìn hoàn thiện hơn, rèn luyện và cọ xát tốt hơn. Bởi, để thành công không chỉ có nghiên cứu khoa học mà cần nhiều yếu tố như làm việc nhóm… Có thể thấy các năm gần đây mô hình các nhóm tham gia cuộc thi ngày càng nhiều bởi để thành công thì không chỉ một người làm được mà cần sự phối hợp của những cá nhân có kiến thức giỏi trong lĩnh vực của mình. Đây là nét mới đáng chú ý trong năm nay”.


Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi

Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi

Vị Phó Tổng biên tập của báo Dân trí cũng đã “nhắn nhủ”: Điều mà các thí sinh tham dự chương trình nhận được không dừng lại ở những giải thưởng, sự vinh danh… dành cho những người thắng cuộc mà thông qua chương trình này, thí sinh sẽ có cơ hội để tiếp cận, cọ sát với thực tế, tiếp cận với những người có nhiều kinh nghiệm là thành viên ban giám khảo của cuộc thi, thông qua đó có thể học hỏi, “gom góp” rất nhiều kinh nghiệm cho sự khởi nghiệp. Với sức lan tỏa của chương trình, Giải thưởng NTĐV còn là “cầu nối” giúp các thí sinh có cơ hội tiếp cận với các quỹ đầu tư khởi nghiệp của cả trong và ngoài nước…

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký hội tin học Việt Nam nêu” Thông điệp mà chúng tôi muốn mang đến cho các bạn ngày hôm nay đó là hãy mạnh dạn, mạnh dạn đưa ra các ý tưởng, sản phẩm của mình. Dùng công nghệ để giúp công việc mình, xã hội mình tốt hơn. Và ở đây, tôi nghĩ rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ các bạn, sẵn sàng hướng dẫn các bạn. Do đó, ngay khi còn ở ghế nhà trường, các bạn hãy đầu tư nghiên cứu, học hỏi và rồi mạnh dạn áp dụng vào thực tế, đem đến cho cuộc sống tốt hơn. Tôi tin các bạn sẽ thành công.

Một sinh viên khoa Công nghệ thông tin của trường ĐH Khoa học Tự nhiên nêu câu hỏi: “nhiều starup thành công sau giải thưởng NTĐV, vậy cơ hội cho các startup khi tham gia giải thưởng này sẽ như thế nào?”.

Chị Kiều Trang đưa ra lời khuyên, có thể đem tài năng của mình đến thị trường thế giới. Nhiều bạn không chọn con đường khoa học mà đem sản phẩm của mình ra thị trường ngay và quyết liệt trong hành trình của mình. Chẳng hạn như Lê Yên Thanh, một tác giả trong nhóm thi NTĐV năm ngoái, người đã tham gia công ty Misfit từ năm 2-3 đại học. Nói như thế để thấy được những nhân tài từ giải thưởng NTĐV và những nhân tài còn ở trong trường ĐH cần môi trường để các bạn thể hiện. Đặc biệt với môi trường công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, tài năng của các bạn càng có cơ hội được phát huy. Giải thưởng NTĐV là bệ phóng cho các bạn trẻ có tài năng có thể phát triển xa hơn.

TS Trần Minh Triết, giảng viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên
TS Trần Minh Triết, giảng viên trường ĐH Khoa học Tự nhiên

TS Trần Minh Triết, giảng viên trường ĐH Khoa học tự nhiên người bổ sung thêm rằng nếu các bạn biết quan sát và chú ý thực tế bên ngoài thì các bạn trẻ có thể sáng tạo được sản phẩm tiến bộ. Theo ông Triết, ý tướng khởi nghiệp không đòi hỏi quá cao về học thuật mà phải xem nó có thể ứng dụng vào cuộc sống hay không? Từ đó để xây dựng hệ thống ý tưởng sản phẩm. Ông Triết cũng cho rằng khi tham gia sân chơi NTĐV sẽ giúp các bạn trẻ nhận được sự quan tâm của giới khoa học, chính các thầy và chuyên gia giúp các bạn điều chỉnh, củng cố ý tưởng của mình.

Trong buổi giao lưu, Hồng Minh - sinh viên năm 3 cũng băn khoăn: Liệu ngồi ghế nhà trường thì sinh viên có nên tham gia startup không? Nếu tham gia thì sẽ được lợi thế gì và khi ra trường thì nên khởi nghiệp tự thân hay đi làm một công ty nào đó?

Ông Nguyễn Long cho rằng các bạn trẻ hãy tích lũy những ý tưởng startup từ khi ngồi ghế nhà trường và hãy mạnh dạn áp dụng vào thực tế. Không chỉ giới trẻ quan tâm đến startup mà đây còn là vấn đế nhiều người quan tâm. Và gắn liền với thời sự, startup còn là chương trình được quốc gia chú trọng đầu tư trong năm nay. Nhà nước khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp để làm chủ công nghệ cho tương lai và làm chủ đất nước.


Trần Nguyễn Lê Văn - một trong những thí sinh “thắng cuộc” của năm 2015 với đề tài “Bán vé xe qua mạng – vexere.com” cũng đã có những chia sẻ với các bạn trẻ

Trần Nguyễn Lê Văn - một trong những thí sinh “thắng cuộc” của năm 2015 với đề tài “Bán vé xe qua mạng – vexere.com” cũng đã có những chia sẻ với các bạn trẻ

Tại chương trình giao lưu, Trần Nguyễn Lê Văn - một trong những thí sinh “thắng cuộc” của năm 2015 với đề tài “Bán vé xe qua mạng – vexere.com” cũng đã có những chia sẻ khá thú vị: Đề án dự thi được “lóe” lên trong thời gian bạn đang du học tại Mỹ. Trong khi “lang thang” trên mạng để thu thập thông tin, mình đã thắc mắc vì sao cứ mỗi dịp Tết, lễ…là ở Việt Nam lại xảy ra tình trạng người dân lại bị “hành hạ” bởi vé xe? Thế là Văn đã “bắt tay”vào tìm hiểu về hệ thống phân phối vé máy bay của một số hãng hàng không… Rồi từ đó đã “bật” lên ý tưởng: Vì sao mình không “thử sức” với việc bán vé xe qua mạng?

Từng bước mày mò, mọi việc hầu như bắt đầu từ con số 0 “tròn vành vạnh”, thế nhưng đến nay khó ai ngờ được hệ thống bán vé xe rẻ này đã và đang cung cấp dịch vụ di chuyển cho hàng chục triệu lượt khách và mình đã đạt được những thành công nhất định. Với kết quả này, mình cho rằng quyết định tạm gác lại việc học MBA của mình tại Mỹ vào thời điểm đó để đeo đuổi và khởi nghiệp bằng Sản phẩm dự thi vexere.com là quyết định đúng đắn - Trần Nguyễn Lê Văn “bật mí” thêm. Những chia sẻ từ người thật việc thật tại buổi giao lưu như tiếp thêm nguồn sức mạnh, sự tự tin để không ít sinh viên thêm tự tin với mong muốn có thể “góp mặt” với giải NTĐV năm nay.

Lê Phương

Ảnh: Nguyễn Quang