Khoa học lý giải tốc độ tiến hóa "cực khủng" của biến chủng SARS-CoV-2
(Dân trí) - Theo các nhà khoa học, một phần làm nên sự thành công của chủng virus này là tính tự làm mới không ngừng của nó, được thể hiện qua tốc độ sinh sôi của hàng loạt biến thể mới.
Hoành hành trên cả thế giới trong suốt 3 năm qua, SARS-CoV-2 đến nay đã được công nhận là một trong những loại virus nguy hiểm và đáng sợ bậc nhất trong lịch sử.
Theo nhà nghiên cứu Sebastian Duchene từ Viện Peter Doherty về Nhiễm trùng và Miễn dịch ở Úc, trong khi virus thông thường phải mất ít nhất 1 năm để sinh ra biến thể mới có tính liên tục, thì SARS-CoV-2 làm điều đó trong vỏn vẹn 6 tuần.
Trong một nghiên cứu mới, Duchene và các đồng nghiệp đã tìm cách điều tra xem khả năng "sinh sôi" thần tốc này đến từ đâu dựa trên trình tự các bộ gen SARS-CoV-2 có sẵn và các biến thể đáng quan tâm.
Kết quả cho thấy với các biến thể như Alpha, Beta, Gamma và Delta, họ thu được nhiều đột biến trong khung thời gian tương đối ngắn. Ngoài ra, mỗi đột biến có thể thay đổi những cấu trúc như khả năng lây nhiễm, tái tạo, mức độ ảnh hưởng tới thể chất của các biến thể...
"Số lượng đột biến được quan sát thấy cao hơn nhiều so với những gì chúng tôi mong đợi", Duchene nhấn mạnh. "Tỷ lệ thay thế nền của SARS-CoV-2 cho thấy virus này tích lũy khoảng 2 đột biến mỗi tháng".
Các nhà nghiên cứu cho biết sự xuất hiện của các biến thể này có lẽ là do sự chọn lọc tự nhiên, khi có quá nhiều yếu tố khác có thể tác động tới như môi trường, nhiệt độ khí hậu, khả năng miễn dịch cộng đồng và tỷ lệ tiêm vaccine toàn cầu. Một trường hợp đơn giản như tình trạng nhiễm trùng dai dẳng ở những cá nhân cụ thể bị suy giảm miễn dịch, cũng có thể dẫn đến động lực khiến virus bị thay đổi thuộc tính.
"Mặc dù vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa hiểu đầy đủ về nguyên nhân gây ra rất nhiều đột biến thần tốc của SARS-CoV-2, nhưng thực tế là chúng ta có thể nhìn thấy và theo dõi điều này xảy ra có nghĩa là việc giám sát bộ gen của virus là rất quan trọng", Duchene cho biết.
Nhà nghiên cứu người Úc khẳng định rằng nếu nắm bắt được điều này, những kết quả thu được có thể cho chúng ta cơ hội để ngăn chặn làn sóng tiếp theo - thay vì chỉ ứng phó với chúng.
"Hãy tưởng tượng nếu bạn có thể phát hiện ra Omicron ở một vài bệnh nhân đầu tiên - nếu bạn có thể ngăn chặn chúng lây lan từ đó, thì chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng như bây giờ."