1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khoa học hé lộ bí mật về cồn cát "dị thường" ở sa mạc

Minh Khôi

(Dân trí) - Bằng cách sử dụng radar xuyên đất để quan sát bên trong, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên giải mã được bí ẩn về sự hình thành các cồn cát đặc biệt ở sa mạc.

Khoa học hé lộ bí mật về cồn cát dị thường ở sa mạc - 1

Cồn cát Lala Lallia ở phía đông Maroc (Ảnh: Getty).

Nhắc đến sa mạc, chúng ta ngay lập tức liên tưởng đến hình ảnh những cồn cát trải dài bất tận. Trong số những cồn cát này, nổi bật nhất và kỳ vĩ nhất là những cồn cát có dạng sao (còn được gọi là cồn cát sao), khi chúng thực sự được coi là những kỳ quan của sa mạc.

Đặc điểm chung của những cồn cát sao là chúng bồi tụ tựa như các kim tự tháp cao tới 300 mét, và khi nhìn từ trên cao xuống thì giống hình các ngôi sao. Với đặc điểm dị thường của mình, các cồn cát này từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học.

Ngày 4/3, các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Aberystwyth (Xứ Wales) đã công bố công trình khoa học chuyên sâu đầu tiên về cồn cát sao trên sa mạc. Qua đó, nghiên cứu tiết lộ cấu trúc bên trong của các đặc điểm địa chất này và khoảng thời gian để một trong số chúng hình thành.

Nghiên cứu tập trung vào cồn cát sao ở phía đông Maroc, có tên Lala Lallia, nghĩa là "điểm thiêng liêng cao nhất" theo tiếng địa phương. Cồn cát này cao hơn khoảng 100 mét so với các cồn cát xung quanh, rộng khoảng 700 mét, chứa xấp xỉ 5 triệu tấn cát.

Bằng cách sử dụng radar xuyên đất để quan sát bên trong cồn cát, các nhà nghiên cứu xác định quá trình hình thành cồn cát Lala Lallia kéo dài tới 900 năm, với khoảng 6.400 tấn cát được tích lũy mỗi năm nhờ gió thổi qua sa mạc.

Khu vực này có hình thái gió lý tưởng để hình thành các cồn cát, khi gió thổi từ nhiều hướng khác nhau. Theo nghiên cứu, cồn cát Lala Lallia hiện đang di chuyển về phía Tây với tốc độ khoảng 0,5 mét mỗi năm.

Charlie Bristow, nhà trầm tích học đến từ Đại học Birkbeck (Anh) cho biết, các cồn cát thường hình thành ở những khu vực có chế độ gió phức tạp, bởi điều này dẫn tới tích tụ cát tại một khu vực nhất định.

Trong đó, những cồn cát sao lại đặc biệt hiếm, khi chỉ chiếm tổng số 10% số cồn cát trên các sa mạc trên Trái Đất và là những cồn cát cao nhất, vượt qua các loại cồn cát khác như cồn cát barchan hình lưỡi liềm và cồn cát tuyến tính.

Những cồn cát sao lớn nhất Trái Đất được tìm thấy ở sa mạc Badain Jaran ở miền Tây Trung Quốc. Ngoài ra, cồn cát sao còn có ở Biển cát Namib ở Namibia, sa mạc Grand Erg Occidental và Rub' al Khali ở Ả Rập Saudi.

Điều thú vị là các đặc điểm tương tự của cồn cát sao cũng đã được phát hiện trên Sao Hỏa và trên mặt trăng lớn Titan của Sao Thổ.

Bởi lẽ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng việc tìm hiểu cấu trúc bên trong các cồn cát đặc biệt này có thể giúp các nhà địa chất xác định rõ hơn về tàn tích sa thạch, cũng như lịch sử hình thành của Trái Đất.

Theo Reuters