Từ trường mạnh nhất vũ trụ có thể ở ngay trên Trái Đất
(Dân trí) - Từ trường này lớn hơn 10.000 lần so với ngôi sao neutron mạnh nhất mà ta từng biết, và hơn 10 triệu triệu lần so với một nam châm tủ lạnh thông thường có thể sản sinh.
Có những nơi trong vũ trụ tồn tại thể vật chất biến dạng dữ dội đến mức từ tính phát triển thành một lực vô cùng lớn, có thể lên tới 100 nghìn tỷ gauss (Với gauss là đơn vị đo cường độ của từ trường).
Chúng thường nằm ở lõi nén trọng lực của những ngôi sao neutron rất năng động. Tuy nhiên, có khu vực trên Trái Đất còn sở hữu sức mạnh thậm chí vượt xa cả những vật thể kỳ dị này.
Một phân tích về tương tác hạt tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Brookhaven, thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE), đã tìm thấy dấu vết của từ trường cực mạnh trên vết phun của vật liệu sau khi chúng tương tác.
Được biết, họ tạo thành vết phun này bằng cách cho hạt nhân của nhiều ion nặng, gồm các hạt quark và gluon va chạm vào nhau.
Bằng cách đo các mảnh vụn được giải phóng bởi va chạm lệch tâm, các nhà vật lý nhận thấy lực này mạnh đến mức chúng có thể tạo ra nhiều gauss hơn cả một ngôi sao neutron đang rung chuyển.
"Những điện tích dương chuyển động tạo ra một từ trường rất mạnh, lên tới xấp xỉ 1018 gauss", Gang Wang, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. "Đây có lẽ là từ trường mạnh nhất trong vũ trụ của chúng ta".
Để nói thêm về con số này, nó lớn hơn 10.000 lần so với từ trường của ngôi sao neutron mạnh nhất mà ta từng biết, và hơn 10 triệu triệu lần so với 100 gauss mà một nam châm tủ lạnh thông thường có thể sản sinh.
Dẫu vậy, thời gian tồn tại của nó là vô cùng ngắn. Trong khi các nam châm có thể tạo ra vòng xoáy từ tính để tồn tại hàng chục nghìn năm, thì những vụ nổ từ tính do hạt gây ra sẽ chỉ tồn tại trong 10 phần triệu của 1 phần tỷ tỷ giây.
Bởi lẽ đó, sự hiện diện của nó chỉ có thể được cảm nhận bởi các hạt quark tích điện được giải phóng sau va chạm.
Theo giới chuyên môn, thí nghiệm này mang đến những hiểu biết sâu sắc hơn về các lực tác động ở sâu bên trong một nguyên tử, cũng như sự phân bố của các hạt bên trong vật chất.