Khoa học giải thích "khung giờ ma quỷ" lúc 3h sáng

Minh Khôi

(Dân trí) - Bất kể độ tuổi hay giới tính, bạn có lẽ đã từng thức dậy trong khoảng thời gian 2- 4h sáng mà không rõ nguyên do.

Góc độ tâm linh

Khoa học giải thích khung giờ ma quỷ lúc 3h sáng - 1

Nhiều người có xu hướng thức dậy vào 3 giờ sáng (Ảnh minh họa: Getty).

Theo quan niệm của người phương Tây, ma quỷ có xu hướng xuất hiện trong khoảng thời gian 2- 4h sáng. Đây cũng là lúc năng lực của chúng mạnh nhất trong ngày.

Theo cách lý giải này, khoảng thời gian 2- 4h sáng, đặc biệt là lúc 3h sáng, luôn được coi là khung giờ "kiêng kỵ" nhất, khi những thế lực huyền bí từ thế giới bên kia bắt đầu hoạt động mạnh.

Thậm chí, có người đưa ra giả thuyết rằng, 3h sáng là thời điểm linh thiêng nhất vì là khung giờ có nhiều người qua đời.

Điều này đã được ghi nhận sau khi có nhiều hiện tượng thường xảy ra tại các bệnh viện, nhà tế bần, nhà dưỡng lão... lúc 3h sáng.

Bởi vậy, 3h sáng dần được coi là khung giờ "âm" ở hầu hết các nền văn hóa.

Khoa học lý giải thế nào?

Khoa học giải thích khung giờ ma quỷ lúc 3h sáng - 2

Việc thức dậy vào lúc 3h sáng có thể không hoàn toàn đáng sợ như bạn lầm tưởng (Ảnh: Getty).

Khoa học cũng có cách lý giải về điều kỳ lạ này, giống như việc lý giải hầu hết các hiện tượng sinh lý bất thường xảy ra ở cơ thể. Trong đó, thuyết phục nhất có lẽ là lý thuyết về chu kỳ ngủ.

Theo đó, tất cả chúng ta đều trải qua một số chu kỳ ngủ. Mỗi chu kỳ này bắt đầu bằng giấc ngủ nông, sau đó chuyển dần sang giấc ngủ sâu hơn khi chúng ta bước vào giấc ngủ sóng chậm (SWS).

Tiếp đó, chúng ta bước vào giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM), và giai đoạn ngủ sâu. Toàn bộ quá trình này kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ. Đó là lý do vì sao chúng ta thường có giấc ngủ trọn vẹn kéo dài 8 tiếng, bao gồm 2 chu kỳ ngủ mỗi đêm.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu bạn thường đi ngủ vào khoảng 11h tối, bạn sẽ thấy bản thân tỉnh táo trở lại vào khoảng 3h sáng.

Quá trình gián đoạn này thường sẽ chỉ kéo dài vài phút, và chúng ta ngay lập tức bắt đầu với một chu kỳ ngủ mới. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, bạn có thể gặp trường hợp cảm thấy tỉnh táo và không thể ngủ lại được.

Ngoài ra, một trong những lý do phổ biến nhất gây ra tình trạng này là lượng đường trong máu thấp.

Theo đó, trong khi ngủ, cơ thể chuyển sang chế độ nhịn ăn. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của não, hormone cortisol của tuyến thượng thận được giải phóng. Cortisol có trách nhiệm cung cấp nhiên liệu cho não trong đêm.

Những người có lượng đường trong máu thấp hoặc hạ đường huyết, hormone cortisol không được giải phóng kịp thời, dẫn đến gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cho não.

Điều này dẫn đến việc kích hoạt hệ thống phản vệ của cơ thể, khi các hormone căng thẳng được giải phóng để bù đắp cho việc thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng cho não.

Quá trình này tình cờ xảy đến vào giữa lúc chu kỳ ngủ giao thoa, và khiến bạn khó ngủ lại.

Ngoài ra, theo lý giải của một số nhà khoa học đã nghiên cứu mô hình tiến hóa của con người, chúng ta có thể chỉ đơn giản là đang tuân theo chu kỳ giấc ngủ di truyền của tổ tiên loài người, những người thường thức dậy lúc 3- 4h sáng trước thời đại công nghiệp.

Ngoài ra còn có một số lý do liên quan tới bệnh lý như viêm khớp, hen suyễn, đau đầu mãn tính, các vấn đề về đường tiêu hóa, các vấn đề về nội tiết, ngưng thở khi ngủ...

Bởi lẽ đó, việc thức dậy vào lúc 3h sáng không đáng sợ, và cũng không ẩn chứa yếu tố tâm linh nào.

Theo www.iflscience.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm