1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khoa học đã chứng minh mọi trẻ đều có khả năng về toán

(Dân trí) - Trẻ từ lúc mới sinh ra, có khả năng bẩm sinh về toán. Điều này khoa học đã bắt đẩu đưa giả thuyết từ thập niên 60 và chứng minh được điều đó từ vài thập niên gần đây.

Khả năng này, thú vật cũng có: các con bồ câu biết chọn những ô có nhiều thức ăn; các con khỉ, khi được huấn luyện, làm toán cộng nhanh hơn người, …

Khoa học đã chứng minh mọi trẻ đều có khả năng về toán - 1

Đếm, đối với trẻ con từ lúc lên hai, gần như là một “phản xạ”, là một “nhu cầu”: chúng đếm những cột đèn khi đi đường, những bậc thang khi leo lên gác, hay những quả banh, hòn bi, … khi chơi đùa. Các bậc cha mẹ hay giáo viên chỉ cần dựa trên “nhu cầu” đó của trẻ để giúp chúng nhân lên gấp bội và phát triển những khả năng mà não chúng đã được thiết lập để làm việc đó.

Tức là não của mọi trẻ đều … đã được “thiết kế” sẵn và có khả năng về toán.

Trước đây, một nhà di truyền học, Albert Jacquard đã nói tương tự như vậy “mọi trẻ, lúc chào đời, trừ một thiểu số bị bệnh bẩm sinh, đều có tiềm năng thông minh; sau đó là môi trường có cho phép những tiềm năng ấy thành thông minh thật sự hay không là chuyện khác”.

Ngày nay, khoa học đã chứng minh được điều đó. Dựa trên quan sát não bộ qua các nghiên cứu từ thập niên 1980, ông Stanilas Dehaene khẳng định như vậy. Hiện nay ông vẫn còn tiếp tục với một chương trình tài trợ bởi Cộng đồng châu Âu (Humain Brain Project), một chương trình qui tụ hơn 150 khoa học gia của nhiều nước.

Thần kinh học ngày nay, có các phương tiện hiện đại, nhất là máy quét cộng hưởng từ sinh hoạt (IRMf), đã có thể định vị và quan sát hoạt động của thùy đỉnh não (lobe pariétale), nơi các tế bào thần kinh chuyên toán trú ngụ: chúng rực sáng, qua hình ảnh của máy quét, vì chúng tiêu thụ nhiều ôxy và đường hơn, khi ta làm toán.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mọi trẻ em đều có khả năng bẩm sinh về toán, ít nhất là dưới dạng “trực giác” – intuition –, cả những ý niệm sơ khởi về thống kê, xếp loại, về cảm nhận không gian và thời gian.

Các khái niệm về toán ta đã có đó nhưng muốn phát triển ta cần kỹ thuật thêm vào. Các kỹ thuật này nằm trong các phương pháp dạy toán.

Nếu dạy toán cho trẻ em mà sai phương pháp thì rất có hại. Minh họa cho điều này, ông Stanilas Dehaene đưa một thí dụ cụ thể: Khi hỏi “kết quả của 6+5–5”, một em bé 6 tuổi trả lời nhanh hơn một em 9 tuổi. Vì bé đầu dùng khả năng tự nhiên còn em thứ nhì thì, “bác học” hơn hay nói cách khác, vì đã bị “méo mó bởi trường học”, em làm hai cái tính nhẩm 6 + 5 trước rồi 11 – 5 sau nên mất thời gian hơn.

Thí dụ này cho thấy là thông thường các giáo viên không biết “khai thác”, không “dựa” trên những khả năng vốn có của trẻ để dạy toán cho chúng. Thế là các giáo viên vô tình xóa mất những khả năng ấy và thay vào đó bằng những phương thức học toán phức tạp hơn, một cách máy móc và làm trẻ… “dốt” đi.

Xin lưu ý: Não của trẻ không là một cấu trúc rỗng mà cha mẹ và các thầy cô giáo phải làm đầy. Não của trẻ đã được tổ chức với những phương thức đã được kiến trúc sẵn, khi tiếp cận với môi trường nói chung và khi học nói riêng, …, trẻ chỉ chỉnh đốn những gì đã có sẵn.

Chính vì vậy, mà quá trình giáo dục nói chung và dạy toán nói riêng, cần dựa trên những khả năng có sẵn của trẻ, dùng nó làm điểm tựa, hay như bàn đạp, để từng bước nâng cao và hoàn thiện hiểu biết về toán của trẻ. Không dạy trẻ làm theo logic của người lớn mà để chúng làm theo logic của chúng, những gì não trẻ em đã được cấu tạo. Chúng sẽ học nhanh hơn, dễ hơn, ít sai hơn. Giáo viên ở đó để cung cấp dụng cụ, để hỗ trợ thêm động cơ và để giúp chúng can đảm bước vào thế giới trừu tượng đầy biểu tượng và gợi cảm hứng của Toán học.

Nguyễn Huỳnh Mai

Liège, Bỉ