1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Khoa học cùng với bé: Vì sao nước biển có vị mặn?

(Dân trí) - 2/3 diện tích bề mặt Trái Đất là nước và 97% diện tích là nước này là nước biển và có vị mặn.

Chỉ có 3% diện tích mặt nước là nước ngọt, 2% trong số 3% này là nước đóng băng ở các vùng băng giá hoặc nằm trong đất, chỉ có 1% là nước ngọt ở các sông, suối, hồ, ao. Phần nước ngọt ít ỏi này lại đóng vai trò quan trọng để giải thích được vì sao nước biển có vị mặn.

Khoa học cùng với bé: Vì sao nước biển có vị mặn? - 1

Vòng tuần hoàn của nước trên Trái Đất hoạt động nhờ ánh nắng Mặt Trời: nước biển bay hơi lên trời thành mây, mây ngưng tụ thành mưa rơi xuống mặt đất, ngấm ra suối, sông đổ ra biển rồi lại bay hơi.

Mưa a-xít nhẹ

Mưa rơi xuống mặt đất không phải là nước tinh khiết mà chứa một lượng nhỏ các hóa chất gọi là carbon dioxide và sulphur dioxide, các chất này ngấm vào mưa khi mưa còn ở trên không trung.

Các chất hóa học này làm cho mưa có tính a-xít nhẹ, không đủ để ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Khi mưa rơi xuống đất, a-xít này có thể hòa tan một lượng nhỏ các muối khoáng trong các tảng đá, ví dụ như sodium và chloride, làm cho hai chất này hòa lẫn vào nước.

Khoa học cùng với bé: Vì sao nước biển có vị mặn? - 2

Sodium chloride hay gọi thông thường là muối là loại muối chính trong nước biển và cũng là muối chúng ta ăn hàng ngày. Nước mưa mang theo muối ngấm vào đất rồi ra suối, sông và cuối cùng là ra biển.

Nước suối có mặn không?

Nếu suối, sông cũng mang theo muối đã hòa tan thì tại sao nước suối, sông lại không mặn như nước biển? Trên thực tế, nước sông suối chỉ mang một lượng muối rất nhỏ, còn muối ở biển đã được tích tụ từ nhiều tỉ năm khiến cho nước biển chứa lượng muối nhiều gấp khoảng 300 lần so với nước sông. Bạn có thể hình dung thế này: một lít nước biển chứa 35 gram muối, còn một lít nước ngọt chỉ chứa 0,5 gram muối.

Muối cũng có thể xâm nhập vào nước biển qua các dòng nước nóng chảy dưới đáy biển hoặc từ các núi lửa phun trào rơi xuống biển.

Chênh lệch độ mặn

Muối luôn trôi từ đất liền ra biển, vì thế bạn có thể cho rằng biển ngày càng trở nên mặn hơn, nhưng thực tế là một phần muối biển được các loài tảo và động vật sống ở biển hấp thụ vào cơ thể, một phần lắng xuống đáy biển. Vì thế muốn đổ vào biển luôn cân bằng với muối được hấp thụ.

Khoa học cùng với bé: Vì sao nước biển có vị mặn? - 3

Ngoài ra, độ mặn ở mỗi vùng biển một khác. Ở những nơi ấm áp, hay vùng nhiệt đới, nước biển bay hơi nhiều hơn, vì thế nước biển mặn hơn. Càng về gần hai cực của Trái Đất, nước biển càng được hòa trộn với nước tan ra từ băng nên nước càng nhạt hơn. Điều này hoàn toàn tự nhiên. Nhưng trong tương lai, độ mặn nước biển có thể sẽ tăng lên do biến đổi khí hậu. Khí hậu ấm nóng hơn có thể gây ra nhiều mưa hơn, băng ở hai cực tan chảy nhiều hơn và nước bay hơi nhiều hơn ở bán cầu Nam. Những yếu tố này sẽ làm thay đổi độ mặn của nước biển.

Nước càng mặn thì càng đặc và nặng, kết hợp với điều kiện nhiệt độ tăng, dòng nước chuyển động trên các đại dương cũng sẽ bị ảnh hưởng, và như vậy thì toàn bộ sự sống trên hành tinh cũng bị ảnh hưởng theo, chứ không chỉ các sinh vật biển.

Phạm Hường 

Theo The conversation

Dòng sự kiện: Khoa học cùng với bé