1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Khoa học cùng với bé: Vết thương lành lại như thế nào?

(Dân trí) - Để giải thích vết thương trên da lành lại như thế nào, trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về da nhé.

Bạn có biết da là bộ phận có bề mặt rộng nhất trong số các bộ phận của cơ thể không? Da có 3 lớp và có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi bị vi trùng tấn công và giúp cơ thể giữ được nhiệt độ phù hợp, ví dụ: khi cơ thể bị nóng quá, da sẽ đổ mồ hôi, tức là nước muối trong cơ thể thoát ra ngoài giúp làm mát cơ thể. Trên da có nhiều “cảm biến” nhờ đó chúng ta có thể cảm nhận được nóng và lạnh khi cầm nắm, sờ mó đồ vật.

Khoa học cùng với bé: Vết thương lành lại như thế nào? - 1

Khi có vết thương trên da, ví dụ một vết đứt tay chẳng hạn, thì việc đầu tiên cơ thể cố gắng xử lý là cầm máu.

Trong vòng từ vài giây cho đến vài phút, các tế bào máu bắt đầu nhóm lại với nhau, bảo vệ vết thương và bịt vết thương lại để không cho máu chảy nữa. và bắt đầu hình thành vẩy.

Cơ thể cố gắng làm liền vết thương một cách nhanh nhất có thể để ngăn vi trùng xâm nhập qua da, đồng thời cơ thể cũng có thể tiết ra một ít dịch trong ở vết thương để làm sạch vết thương đó.

Bác sĩ sẽ biết rõ có cần khâu vết thương đó hay không, vì có những vết thương cần được khâu để hỗ trợ quá trình da lành lại được nhanh hơn.

Còn dưới lớp da thì chuyện gì xảy ra nhỉ?

Dưới lớp da, cơ thể làm việc rất chăm chỉ để làm sạch và chữa lành vết thương.

Vết thương có thể bị sưng, tấy đỏ và đau. Bác sĩ gọi đó là vết thương bị viêm. Vết thương bị sưng tức là cơ thể đang gửi đến chỗ đau thêm ô xi, dịch và các tế bào máu để giúp cho quá trình làm lành vết thương.

Trong máu có những tế bào được ví như những “chiến sĩ” đặc biệt có nhiệm vụ chiến đấu với vi trùng. Đó là những tế bào bạch cầu. Ngay khi bạn bị thương, cơ thể sẽ gửi rất nhiều bạch cầu đến chỗ đau để chữa trị vết thương. Bạch cầu sẽ ăn các vi trùng xâm nhập qua da và bạch cầu cũng hướng dẫn cho quá trình làm lành vết thương.

Sau đó các tế bào máu sẽ bắt đầu tạo ra da mới, lần lượt từng lớp một. Các tế bào máu cũng sẽ báo cho cơ thể bắt đầu sản xuất thêm một chất hóa học gọi là “collagen” để giúp cho da tạo nên những lớp mới.

Một vết thương nhỏ, như một vết xước chẳng hạn thì chỉ cần vài ngày là khỏi nhưng vết thương to thì mất nhiều thời gian hơn. Nếu bạn bị vết thương rất to thì sau khi lành, chỗ đó sẽ có sẹo. Sẹo cũng có cấu tạo từ collagen. Có sẹo sẽ tồn tại mãi mãi, có sẹo thì mờ đi hoặc mất hẳn sau một thời gian.

Việc quan trọng là bạn phải giữ cho vết thương sạch sẽ, đủ độ ẩm cần thiết và nếu cần thì che lại để vết thương chóng lành hơn. Vết thương to mà không che, không băng lại thì dễ bị khô quá và có thể bị thêm vi trùng xâm nhập.

Khi vết thương đóng vẩy, có thể bạn sẽ thấy rất ngứa, nhưng hãy cố đừng gãi nhé, vì phía dưới lớp vẩy, da vẫn đang tiếp tục quá trình lành lại. Hãy để cho vẩy tự bong ra.

Trong thời gian này, bạn nên ăn uống những thứ bổ dưỡng để cơ thể có đủ năng lượng giúp cho vết thương chóng lành, các chất bổ cho cơ thể là chất đạm, hay còn gọi là protein, có trong thịt, sữa, pho mát; chất bột đường (carbohydrates) có trong bánh mì, cơm và các vitamin có trong cam, cà rốt, rau.

Các thức ăn giàu chất dinh dưỡng sẽ cung cấp năng lượng để cơ thể bạn làm lành vết thương, và giúp cho hệ miễn dịch của bạn chống lại được các vi trùng.

Phạm Hường 

Theo The Conversation

Dòng sự kiện: Khoa học cùng với bé