Kho báu trị giá gần 2 tỷ đồng bị vứt lăn lóc làm vật chặn cửa

Minh Khôi

(Dân trí) - Một trong những thiên thạch lớn nhất mà khoa học từng ghi nhận được sử dụng với mục đích không ai ngờ tới trong suốt 80 năm.

Kho báu trị giá gần 2 tỷ đồng bị vứt lăn lóc làm vật chặn cửa - 1

Cục thiên thạch nặng 10kg từng chỉ được coi là vật vô giá trị, và dùng để chặn cửa suốt một thời gian dài (Ảnh: CMU).

Xung quanh chúng ta, có những thứ tưởng như chỉ là đồ bỏ đi, nhưng kỳ thực lại có giá trị rất lớn. Đây là chuyện xảy ra với một khối đá ngoại hình xù xì, nặng gần 10kg, và tưởng như chẳng có gì đặc biệt, được tìm thấy ở Mỹ.

Mọi thứ bắt đầu vào năm 1988, khi Mona Sirbescu, một nhà địa chất tại Đại học Trung tâm Michigan (CMU), tình cờ tới thăm một trang trại ở ngôi làng Edmore, thuộc bang Michigan, Mỹ.

Tại đây, Sirbescu quan sát thấy một tảng đá có ngoại hình kỳ lạ, được dùng để làm vật chặn cửa nhà kho. Được sự đồng ý của chủ nhà, Sirbescu tiến hành phân tích sơ bộ tảng đá, và nhận thấy nó dường như là một thiên thạch sắt-niken, với hàm lượng niken rất cao, chiếm khoảng 12%.

Sirbescu cho rằng đây chính là một trong những thiên thạch lớn nhất từng được ghi nhận ở Michigan, có giá trị rất lớn cả về mặt tiền bạc và khoa học.

David Mazurek, chủ sở hữu tảng đá, cũng đã để ý tới nó khi ông mua lại trang trại từ một gia đình khác. Tuy nhiên ông không hề nghĩ rằng vật thể kỳ dị này lại có giá trị tới vậy.

Mazurek kể lại rằng, người chủ cũ của tảng đá cho biết vào những năm 1930, họ nhìn thấy một thiên thạch rơi xuống khu đất phía sau vườn vào ban đêm, tạo ra tiếng động lớn.

Khi tới miệng hố do vật thể này để lại, họ tìm thấy khối đá vẫn còn ấm bị chôn vùi dưới đất. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là trong suốt 80 năm, không một ai biết về giá trị của nó, và tảng đá vẫn tiếp tục được sử dụng như một vật chặn cửa.

Rốt cuộc, Mazurek đã bán thiên thạch của mình cho Cung thiên văn Abrams của Đại học Bang Michigan, với giá 75.000 USD (tương đương 1,8 tỷ đồng). Dẫu vậy theo Sirbescu, giá trị thực của tảng đá có thể lớn hơn như vậy rất nhiều.

Theo www.sciencealert.com