Khám phá những thành phần “khó tin” trong các loại mỹ phẩm
(Dân trí) - Chắc hẳn các bạn nữ sẽ khó có thể ngờ rằng, thỏi son, hộp kem dưỡng da hay lọ sơn móng tay mà mình đang sử dụng hàng ngày, lại có thể có nguồn gốc từ “chất thải cá voi”, “vảy cá” hay thậm chí là “nhau thai”!
Ambergris là một hợp chất được hệ tiêu hóa của cá Voi sản xuất ra. Thông thường, Ambergris sẽ được giải phóng ra bên ngoài môi trường thông qua phân hoặc bãi nôn mửa, của gã khổng lồ trong lòng đại dương này. Trong quá khứ, ngành công nghiệp mỹ phẩm từng sử dụng Ambergris như là một loại phụ gia nhằm kéo dài thời gian lưu hương của nước hoa.
Chính vì vậy, thứ chất thải của cá voi này lại được gọi là “vàng nổi”. Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các thương hiệu mỹ phẩm đều đã chuyển sang sử dụng hóa chất tổng hợp thay cho Ambergris, để giảm chi phí. Tuy nhiên, một vài sản phẩm nước hoa cao cấp, chẳng hạn như “Chanel No. 5”, vẫn hoàn toàn trung thành với loại hoạt chất quý hiếm từ thiên nhiên này.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong chất nhờn mà loài ốc sên tiết ra, được gọi là Mucin, có chứa một lượng lớn protein, glycolic acid và elastin, vốn rất hữu hiệu trong việc tái tạo và cải thiện độ ẩm cho làn da. Nhờ công năng tuyệt vời này, Mucin đã và đang được sử dụng như một thành phần chính trong các sản phẩm chăm sóc da mặt, nhất là các làn da đang dần xuất hiện dấu hiệu lão hóa.
Có không ít các sản phẩm chăm sóc da mặt hiện nay đang chứa chiết xuất nhau thai động vật, trong thành phần của mình. Việc các hãng mỹ phẩm thêm nguyên liệu “đặc biệt” này vào sản phẩm, là do nhau thai đã được chứng minh có chứa nhiều hoạt chất hỗ trợ cho việc làm chậm quá trình lão hóa. Điển hình như khả năng tăng độ đàn hồi của làn da hay đẩy mạnh quá trình sản xuất ra collagen.
Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, việc các loại dầu gội, sơn móng tay hay son môi có màu lấp lánh, phần lớn là nhờ vào thành phần Guanine, vốn được chiết xuất từ vảy cá.
Trước khi các loại hợp chất tạo màu nhân tạo xuất hiện, các hãng mỹ phẩm vẫn phải sử dụng hoàn toàn các chiết xuất từ động/thực vật để tạo nên màu sắc cho sản phẩm son của mình. Đặc biệt, với một thỏi son màu đỏ, màu sắc của nó sẽ đến từ Carmine, loại sắc tố đỏ có nguồn gốc từ loài rệp Son. Cụ thể, để sản xuất ra Carmine, người ta sẽ nghiền nát rệp Son cái đã được sấy khô thành dạng bột. Ngoài ra, vì là một sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, thành phần Carmine trong son môi cũng có thể gây dị ứng trong một vài trường hợp.
Vào thời kỳ trước, các Geisha ở Nhật Bản đã biết sử dụng...phân của chim Họa Mi như một loại mỹ phẩm giữ cho làn da luôn ở tình trạng căng mịn và hoàn hảo nhất. Ngỡ rằng công thức làm đẹp có phần “mất vệ sinh” này chỉ tồn tại ở trong quá khứ, nhưng trên thực tế, hiện nay có không ít sản phẩm làm đẹp được chiết xuất từ phân chim Họa MI đã được xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, và trở nên nổi tiếng trên phạm vi toàn cầu.
Thảo Vy
Theo BS