Khám phá những hiệu ứng tâm lý đặc biệt ở con người (P2)
(Dân trí) - “Hiệu ứng Cheerleader” có thể được hiểu như sau: “chúng ta có thể trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người khi đứng giữa những người bạn quyến rũ”.Bên cạnh đó, còn có nhiều hiệu ứng tâm lý đặc biệt khác vẫn hiện hữu trong xã hội loài người như: “Hiệu ứng Dunning-Kruger”, “Hiệu ứng Pareidolia” hay “Hiệu ứng Thang cuốn hỏng”.
“Cheerleader” là từ dùng để chỉ đội cổ vũ của các CLB thể thao, vốn phổ biến ở Mỹ, thường gồm những cô gái xinh đẹp. Điều đặc biệt là từ này cũng được sử dụng để đặt tên cho một hiệu ứng tâm lý - Hiệu ứng Cheerleader. Hiệu ứng này có thể được hiểu như sau: “Dù chỉ sở hữu nhan sắc bình thường nhưng khi đứng giữa những người bạn khả ái, chúng ta cũng sẽ trở nên xinh đẹp hơn trong mắt người khác”. Theo lý giải của các nhà khoa học, hiện tượng này xảy ra là do bộ não con người luôn nhìn nhận mỗi thành viên với “mức điểm” trung bình về ngoại hình, của cả nhóm đó.
Chắc hẳn trong cuộc sống, chúng ta cũng đã chứng kiến không ít trường hợp nghịch lý, khi một người vừa chập chững vào nghề lại thành công vang dội; trong khi đó, có người lại vật lộn hàng năm trời vẫn chưa thể làm nên kỳ tích. Khá bất ngờ khi thực tế này lại có liên quan đến một hiệu ứng tâm lý có tên “Dunning-Kruger”. Theo đó, một người có nhiều năm trong nghề, khi đã nắm được hầu hết kiến thức cũng như kinh nghiệm, sẽ trở nên thận trọng và cầu toàn hơn. Trong khi đó, một “tân binh” lại thường liều lĩnh và thích quyết định theo cảm tính, dù dễ phải đối mặt rủi ro nhưng họ lại rất có khả năng tạo nên sự đột biến trong công việc.
“Pareidolia” là một hiệu ứng tâm lý rất phổ biến và xảy ra thường xuyên với hầu hết chúng ta. Theo định nghĩa về “Hiệu ứng Pareidolia”, con người sẽ có xu hướng liên tưởng và gán ghép một sự vật, sự việc hay khung cảnh mới lạ mình vừa chứng kiến với những thứ đã quen thuộc trước đây. Để dễ hiểu hơn, hãy nhìn 2 bức ảnh trên đây, nếu bạn thấy chúng có sự tương quan thì đó chính là “Pareidolia”.
Sau khi tham dự một bữa tiệc, nếu bạn không ngừng chất vấn mình với những câu hỏi như: “liệu trang phục của mình có quá lòe loẹt?”, “liệu mình có làm việc gì ngu ngốc không?” hay “Liệu mình có làm cô ấy phật ý với lời nói đùa đó không?”, chứng tỏ bạn là nạn nhân của “Hiệu ứng Tiêu điểm”. Cơ sở của hiệu ứng tâm lý này chính là việc con người luôn bị ám ảnh rằng, đám đông luôn chú ý, xoi mói và đánh giá về từng hành động của mình.
Việc phải bước đi trên một chiếc cầu thang cuốn bị hỏng, thường khiến chúng ta cảm thấy mất cân bằng, choáng nhẹ và nôn nao. Những triệu chứng khó hiểu này được sinh ra bởi bộ não của chúng ta vẫn mặc định rằng, chiếc thang cuốn là một bề mặt luôn chuyển động. Và việc bước đi trên một vật không ở trạng thái tĩnh là điều bất thường và có phần nguy hiểm. Sự xung đột giữa những thông tin hiện hữu mà các giác quan thu nhận được và logic của bộ não, đã dẫn đến các phản ứng sinh lý tiêu cực của cơ thể đã được đề cập ở trên.
Thảo Vy
Theo BS