Khám phá những hiệu ứng tâm lý đặc biệt ở con người (P1)

(Dân trí) - “Hiệu ứng Người ngoài cuộc” có thể được hiểu như sau: “khi một người gặp rắc rối hoặc tai nạn, nếu có càng nhiều người chứng kiến vụ việc thì họ sẽ càng có ít cơ hội được giúp đỡ hơn”.Bên cạnh đó, còn có nhiều hiệu ứng tâm lý đặc biệt khác vẫn hiện hữu trong xã hội loài người như: “Hiệu ứng Hào quang”, “Hiệu ứng Google” hay “Hiệu ứng Deja vu”.

Khám phá những hiệu ứng tâm lý đặc biệt ở con người (P1) - 1

“Hiệu ứng Hào quang” là hiệu ứng tâm lý được các nhà sản xuất áp dụng triệt để trong chiến lược quảng cáo của mình. Theo lời giải thích của các chuyên gia, cảm nhận và sự hài lòng của con người về một loại sản phẩm, chịu tác động lớn bởi nhân vật đang quảng cáo về nó. Đây cũng chính là lý do mà các hãng chịu chi một số tiền không nhỏ để mời bằng được ngôi sao quảng cáo sản phẩm của mình, nhằm khiến người tiêu dùng dễ có cảm tình và cái nhìn tích cực hơn về mặt hàng đó.

Khám phá những hiệu ứng tâm lý đặc biệt ở con người (P1) - 2

“Hiệu ứng Người ngoài cuộc” có thể được hiểu như sau: “khi một người gặp rắc rối hoặc tai nạn, nếu có càng nhiều người chứng kiến vụ việc thì họ sẽ càng có ít cơ hội được giúp đỡ hơn”. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp hiệu ứng này trong các vụ tai nạn trên đường phố.

Theo lý giải của các nhà khoa học, căn nguyên của Hiệu ứng Người ngoài cuộc là do hầu hết mọi người chứng kiến vụ việc đều nghĩ rằng, sẽ có người khác trong đám đông giúp đỡ nạn nhân và mình là “người ngoài cuộc”. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể dựa trên bản chất của hiệu ứng tâm lý đặc biệt này để “hóa giải” nó. Cụ thể, nếu chẳng may rơi vào tình huống hiểm nghèo ở chỗ đông người, hãy nhờ đích danh một người hoặc một nhóm nhỏ quanh đó để giúp đỡ bạn, đừng thụ động trông chờ vào lòng nghĩa hiệp của đám đông.

Khám phá những hiệu ứng tâm lý đặc biệt ở con người (P1) - 3

“Hiệu ứng Mất tự chủ online” xuất hiện cùng với sự bùng nổ của internet. Cụ thể, khi trở thành một phần của cộng đồng mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội, con người sẽ dễ trở nên xấu tính, cọc cằn và thích phán xét hơn.

Hệ quả của hiệu ứng tâm lý này là chúng ta dễ đưa ra các bình luận thiếu tế nhị, khiếm nhã về một cá nhân hay vấn đề, mà mình thậm chí chỉ vừa lướt qua trên internet. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính của hiệu ứng này là sự mất phản xạ có điều kiện, đến từ việc chúng ta có thể dễ dàng che đậy bản thân bằng một nickname, trong thế giới ảo, và dường như không phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.

Khám phá những hiệu ứng tâm lý đặc biệt ở con người (P1) - 4

“Deja vu” là một hiệu ứng tâm lý mà gần như tất cả mọi người đều đã từng gặp phải ít nhất một lần. Trong tiếng Pháp, “Deja vu” có nghĩ là “Đã từng thấy”, thuật ngữ này dùng để chỉ hiện tượng chúng ta cảm thấy khung cảnh và sự việc mình đang chứng kiến trước mắt, dường như đã từng xảy ra trước đây. Đến nay, Deja vu vẫn là một trong những hiệu ứng tâm lý bí ẩn nhất và giới khoa học hiện chưa tìm ra một lời giải thích đáng cho hiện tượng này.

Khám phá những hiệu ứng tâm lý đặc biệt ở con người (P1) - 5

Con người hiện đại thường rất dễ quên đi những thông tin, chi tiết mình vừa đọc được, nhất là khi thông tin đó có nguồn gốc từ internet. Hiện tượng thú vị này được các chuyên gia đặt lên là “Hiệu ứng Google”. Theo giải thích, lý do gây nên sự đãng trí này đến từ quá trình thích nghi của não bộ với thời đại số. Bởi vì, con người ngày nay có thể tìm kiếm một cách nhanh chóng mọi thông tin bằng Google hoặc các công cụ khác. Do đó, việc ghi nhớ lâu những thông tin này là điều không cần thiết.

Thảo Vy

Theo BS

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm