Kết nối các Startup và Nhà đầu tư thiên thần

(Dân trí) - Bộ Khoa học và Công nghệ vùa tổ chức Ngày hội đầu tư - Demo day 2016. Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình sẽ diễn ra trong năm 2016 của Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV) nhằm hỗ trợ và kết nối cộng đồng Nhà đầu tư thiên thần và các doanh nghiệp Khởi nghiệp trong nước.

Trong năm thứ hai tổ chức, Demo Day 2016 có 11 nhóm khởi nghiệp tham gia thuyết trình, giới thiệu các dự án của mình nhằm thu hút các nhà đầu tư trong đó có thể kể đến như: Utimai - mạng xã hội di động xử lý các vấn đề thường xuyên phát sinh trong cuộc sống hay School bus - nền tảng truyền hình trực tiếp trên Internet dành cho giáo viên và học sinh phổ thông trung học.

Kết nối các Startup và Nhà đầu tư thiên thần - 1

Ngoài việc kết nối và nhận được nhiều hỗ trợ từ các cố vấn có nhiều kinh nghiệm, thông qua Đề án, các nhóm khởi nghiệp cũng tạo lập được mối quan hệ với những đối tác, được huấn luyện kỹ năng gọi vốn, quản lý công ty...

Trong suốt 4 tháng qua, 11 công ty khởi nghiệp này đã trải qua giai đoạn phát triển ý tưởng kinh doanh, xây dựng sản phẩm hoàn chỉnh, gặp gỡ và ký kết với các đối tác. Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam cũng đã đầu tư 10.000 USD quỹ đầu tư mạo hiểm cho mỗi công ty khởi nghiệp. Ngoài việc kết nối và nhận được nhiều hỗ trợ từ các cố vấn có nhiều kinh nghiệm, thông qua đề án, các khởi nghiệp cũng tạo lập được mối quan hệ với những đối tác, được huấn luyện kỹ năng gọi vốn, quản lý công ty... cho các nhà sáng lập trẻ.

Tại Demo Day 2016, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: Trong 3 năm qua, VSV đã đạt được một số kết quả nhất định và tạo dựng được một số startup thành công. Tuy nhiên, nếu chỉ VSV thì chưa đủ. Chúng ta cần có hàng nghìn VSV. Một quốc gia khởi nghiệp phải có hàng trăm nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công từ nền tảng nghiên cứu và ứng dụng phát triển KH&CN. Chỉ những doanh nghiệp ấy mới có thương hiệu cạnh tranh, mới làm nên một Việt Nam đổi mới sáng tạo. Vì thế, cùng với VSV chúng ta cần có rất nhiều vườn ươm, trung tâm ươm tạo… mới hy vọng có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu doanh nghiệp thành công, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Đề án VSV tổ chức Demo Day lần đầu tiên năm 2014, hơn 100 nhà đầu tư và các doanh nghiệp đã tham dự để theo dõi 9 nhóm startup được VSV đầu tư thuyết trình. Sau đó, 4 nhóm khởi nghiệp đã tiếp tục được các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư thiên thần lựa chọn và cung cấp vốn. Kết quả này đã giúp Quỹ Thúc đẩy doanh nghiệp 2014 của VSV tạo ra lợi nhuận gấp 5 lần cho nhà đầu tư chỉ sau 12 tháng.

Đề án VSV do Bộ KH&CN triển khai từ năm 2013. Mục tiêu cơ bản của Đề án là tạo ra một hệ sinh thái gồm các startup được đào tạo, tư vấn trong chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp (BA) để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm nhằm xây dưng hệ thống doanh nghiệp KH&CN thành công.

S.H (Nguồn NASATI)