IEA cảnh báo khai thác nhiên liệu hóa thạch cần phải cắt giảm ngay lập tức
(Dân trí) - Phát thải khí mêtan đang đe dọa sự ổn định của khí hậu toàn cầu, dẫn tới nguy cơ vượt qua các điểm tới hạn của khí hậu và không thể đảo ngược.
Trong một thông báo phát đi ngày 12/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết lượng khí thải mêtan (methane) từ nhiên liệu hóa thạch đã đạt tới mức cao kỷ lục, và cần phải được cắt giảm ngay lập tức để hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu.
"Cần giảm ngay lập tức lượng khí thải mêtan để giới hạn tình trạng nóng lên ở mức 1,5 độ C", IEA thông báo.
Bộ phận theo dõi khí mêtan toàn cầu của IEA ước tính ngành năng lượng đã tạo ra khoảng 135 triệu tấn khí thải mêtan vào năm 2022, tăng nhẹ so với năm trước.
Hầu hết trong số đó đến từ hoạt động khai thác than, dầu và khí tự nhiên, với lượng nhỏ hơn do rò rỉ trong thiết bị sử dụng cuối và quá trình đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu sinh học.
Được biết, khí mêtan tồn tại trong khí quyển ít hơn so với carbon dioxide, nhưng lại là đóng vai trò là tác nhân chính cho tình trạng gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Nguyên nhân là bởi dù khí này chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng một thập kỷ, nhưng lại hấp thụ năng lượng nhanh và nhiều hơn so với carbon dioxide.
Do vậy, việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính được coi là một trong những biện pháp nhanh chóng nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong thời gian ngắn và cải thiện chất lượng không khí.
"Nếu không có biện pháp rõ ràng với khí mêtan, ngay cả việc giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, mức tăng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu vẫn có thể sẽ vượt quá 1,6 độ C vào năm 2050", IEA cảnh báo.
Cơ quan này cho biết ít nhất 75% lượng khí thải mêtan đến từ các hoạt động dầu khí. Các hành động có mục tiêu nhằm giải quyết lượng khí thải mêtan từ việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch là rất cần thiết, nhằm hạn chế nguy cơ vượt qua các điểm tới hạn của khí hậu, dẫn tới không thể đảo ngược.
IEA cho biết thêm, lợi ích của việc làm này sẽ vượt ra ngoài việc kiểm soát biến đổi khí hậu, bao gồm ngăn ngừa gần 1 triệu ca tử vong sớm do phơi nhiễm tầng ozone và sụt giảm 90 triệu tấn cây trồng vào năm 2050.