Hươu cao cổ có bị sét đánh nhiều hơn các loài động vật khác không?
(Dân trí) - Với đặc trưng là chiếc cổ dài "lêu nghêu", hươu cao cổ rất dễ trở thành "cột thu lôi" giữa một cánh đồng rộng lớn. Điều này liệu có chính xác?
Hươu cao cổ dễ bị sét đánh là một lập luận phi khoa học mà bất kỳ ai cũng có thể chỉ ra, chủ yếu dựa trên cấu trúc với chiếc cổ dài giúp chúng cao hơn đáng kể so với các loài động vật khác trên thảo nguyên.
Từ đó, hươu cao cổ bị xem như chiếc "cột thu lôi" trong trường hợp không có bóng cây xanh nào bên cạnh để bảo vệ chúng.
Ciska Scheijen, một nhà bảo tồn sinh vật học, người đã nghiên cứu hươu cao cổ tại khu bảo tồn Rockwood ở Nam Phi trong nhiều năm mô tả một trường hợp hươu cao cổ bị sét đánh như sau:
Ngày 29/2, một đàn hươu cao cổ gồm 8 con gặp phải một cơn bão lớn, kèm giông lốc và sấm chớp trên cánh đồng. Khi bão tan, cô tìm thấy 2 con trong đàn - một con cái 5 tuổi, và một con cái khác nhỏ hơn, đã chết, cách nhau vài mét.
Khi kiểm tra kỹ xác của 2 con hươu, họ tìm thấy một vết nứt rất đặc biệt tại hộp sọ của con lớn hơn, cho thấy dấu hiệu của việc nó bị sét đánh trực tiếp.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là không hề có dấu hiệu tổn hại nào khác trên thân thể của nó - như cháy xém, hoặc vết bỏng, giống như trên các loài động vật khác.
Theo các nhà khoa học, có 4 cách mà tia sét có thể giết chết một sinh vật sống. Đó là: cú đánh trực diện, do phóng từ vật khác, do tiếp xúc chạm, và do truyền qua mặt đất.
Trong trường hợp trên, Scheijen nghi ngờ con hươu cao cổ lớn hơn bị chết do sét đánh trực diện. Lúc đó, nó thực sự giống như một cây cột thu lôi cao 7 mét, khi xung quanh không hề có một bóng cây nào.
Con hươu cao cổ thứ 2 bị chết gần đó nhiều khả năng do tia sét phóng ra từ con đầu tiên, hoặc truyền qua mặt đất. Nhiều trường hợp cũng ghi nhận tia sét phóng ra từ vật thể ở khoảng cách từ 1-2 mét, khiến những đối tượng xung quanh gặp nguy hiểm.
"Nếu hươu cao cổ là điểm cao nhất, thì khả năng là chúng sẽ có nguy cơ bị sét đánh cao nhất trong khu vực", các nhà khoa học kết luận.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận không có quá nhiều hươu cao cổ bị chết do sét đánh. Trái lại, chúng thường chết do bị tranh giành nguồn thức ăn, biến đổi khí hậu, hoặc bị giết bởi các loài thú săn mồi.
Nguyên nhân có thể do chúng biết trú ẩn dưới những tán cây lớn hơn. Mặc dù vậy, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về điều này.
Một số nghiên cứu cũng quan sát thấy hươu cao cổ di chuyển quãng đường ngắn hơn đáng kể khi trời mưa so với khi trời khô, cho thấy chúng có thể đã điều chỉnh hành vi của mình để đối phó với thời tiết.