"Hộp đen" cổ đại hé lộ điều thực sự đã giết chết khủng long

Minh Khôi

(Dân trí) - Giả thuyết bị loại trừ một lần nữa khẳng định nguyên nhân đã cướp đi thời đại "hoàng kim" của loài khủng long, cùng 3/4 sự sống trên Trái Đất.

Hộp đen cổ đại hé lộ điều thực sự đã giết chết khủng long - 1

Một loạt "quá trình diệt vong" được kích hoạt đã khiến loài khủng long và 3/4 sự sống trên Trái Đất biến mất (Ảnh: Getty).

Đến tận ngày nay, chúng ta vẫn chưa dám chắc rằng điều gì đã xảy ra và chấm dứt thời đại thống trị của loài khủng long khoảng 66 triệu năm trước.

Một giả thuyết được nhiều người tin tưởng, rằng đã có một tảng đá vũ trụ kích thước lớn hơn đỉnh Everest đâm vào khu vực ngày nay là bờ biển Mexico, gây ra một loạt thảm họa khiến 3/4 sự sống trên Trái Đất biến mất.

Thế nhưng, chi tiết về toàn bộ diễn biến đã cướp đi thời đại "hoàng kim" của khủng long vẫn còn đang là điều được tranh luận. Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra câu trả lời đáng tin cậy, dựa trên việc mở được một "hộp đen" địa chất cổ đại.

Nó cho thấy tác động của tiểu hành tinh bí ẩn đã thực sự tạo thành một lớp bụi mịn dày đặc trên bầu khí quyển, từ đó chặn ánh sáng Mặt Trời, khiến nhiệt độ Trái Đất giảm xuống, thực vật ngừng quang hợp và tàn phá chuỗi thức ăn.

Giả thuyết này ban đầu đã được đề xuất vào năm 1980 bởi các nhà địa chất sau khi họ phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên của vụ va chạm. Tuy nhiên sau đó, nó đã bị loại trừ vào đầu những năm 2000 với lý do rằng các mẫu đất đá từ thời đại này không chứa đủ bụi mịn để gây ra "kỷ băng hà" trên toàn cầu.

Giờ đây, giả thuyết một lần nữa được nhắc lại sau khi các nhà nghiên cứu phân tích hơn 40 mẫu đá trầm tích có từ kỷ Phấn trắng đến kỷ Cổ Cận. Chúng được ví như hộp đen cổ đại, giúp chúng ta có được cái nhìn chính xác hơn về điều đã xảy ra với loài khủng long 66 triệu năm trước.

Hộp đen cổ đại hé lộ điều thực sự đã giết chết khủng long - 2

Các lớp đá trầm tích cổ đại tại Tanis, Bắc Dakota được phát hiện với thành phần rất giàu bụi silicat mịn, được thể hiện bằng những đường màu cam đậm (Ảnh: Nature Geoscience).

Theo nghiên cứu, các mẫu đá này được khai quật từ một lớp trầm tích sâu 1,3 mét dưới lòng đất ở khu vực Tanis, Bắc Dakota, Mỹ. Địa điểm này nằm cách miệng núi lửa do tiểu hành tinh Chicxulub tạo nên khoảng 3.000km về phía Bắc.

Lớp đá có thể tạo thành các đám mây bụi, với thành phần gồm carbon đen (bồ hóng) và hạt bụi silicat mịn trong phạm vi 0,8 - 8 micromet, lan rộng trong nhiều năm sau va chạm.

"Đây là những hạt có tính sát thương cao nhất được giải phóng khi thiên thạch rộng 10 - 15km va chạm với Trái Đất", nghiên cứu nhấn mạnh. "Chúng được tạo ra khi tiểu hành tinh va vào Trái Đất và nghiền nát lớp đá trầm tích bên dưới".

Bằng cách sử dụng mô hình máy tính, các nhà nghiên cứu vẽ nên bức tranh toàn cảnh về điều đã xảy ra, khi lượng bụi ở mức cao tồn tại trong khí quyển tạo ra bóng tối kéo dài gần 2 năm, khiến thực vật không thể quang hợp.

Quá trình này khiến toàn bộ chuỗi thức ăn sụp đổ, và ngay cả những kẻ săn mồi hàng đầu - như loài khủng long Tyrannosaurus rex - cũng không thể sống sót. Bên cạnh đó, lớp bụi lơ lửng trong không khí cũng khiến nhiệt độ toàn cầu giảm 15⁰C, khiến đá bốc hơi, và tạo ra một lượng khí đáng kể chứa lưu huỳnh.

Chúng là tác nhân gây ra các vụ cháy rừng quy mô lớn xảy ra trên toàn cầu, tiếp tục khiến tình hình tồi tệ hơn bằng cách gửi một lượng tro bụi, bồ hóng lên bầu trời.

"Tất cả điều này tạo thành một khoảng thời gian đủ dài để đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho môi trường sống trên cạn lẫn dưới biển", nghiên cứu kết luận.

Từ đó, những động vật và thực vật không thể thích nghi để sống trong bóng tối và lạnh giá sẽ bị diệt vong. Hệ thực vật và động vật có chế độ ăn, môi trường sống và lối sống linh hoạt sẽ có cơ hội sống sót cao hơn.

Theo www.sciencealert.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm