Hồi sinh tê giác Sumatra đã tuyệt chủng nhờ công nghệ tế bào gốc
(Dân trí) - Sau nhiều năm nhân giống thất bại, các nhà khoa học ở Malaysia đang kỳ vọng sẽ hồi sinh loài tê giác Sumatra đã tuyệt chủng ở quốc gia này.
Một số mẫu da, trứng và mô là tất cả những gì còn sót lại của con tê giác cuối cùng của Malaysia có tên Iman đã chết vào năm 2019 sau nhiều năm nỗ lực nhân giống thất bại.
Hiện các nhà khoa học đang đặt hy vọng vào công nghệ tế bào gốc có thể mang lại biến thể của tê giác Sumatra ở Malaysia. Cụ thể hơn các nhà khoa học sẽ sử dụng tế bào từ Iman và hai con tê giác đã chết khác.
“Tôi rất tự tin vào cơ hội trong tương lai”, nhà sinh học phân tử Muhammad Lokman Md Isa cho biết.
Là loài nhỏ nhất trong số các loài tê giác trên thế giới, tê giác Sumatra đã bị tuyên bố là tuyệt chủng trong tự nhiên ở Malaysia vào năm 2015. Loài này đã di cư khắp châu Á, nhưng nạn săn bắn và phá rừng đã giảm số lượng của chúng xuống chỉ còn 80 con ở nước láng giềng Indonesia.
Cuối cùng, tê giác Iman, 25 tuổi, đã chết trong một khu bảo tồn thiên nhiên trên đảo Borneo, sau khi mất máu nhiều do khối u tử cung, sáu tháng sau cái chết của con tê giác đực cuối cùng của Malaysia có tên Tam.
Trước đó, những nỗ lực để nhân giống nhằm giúp cả hai con tê giác cuối cùng của Malaysia có thể sinh sản đã không có kết quả.
Các nhà khoa học Malaysia dự định sử dụng các tế bào từ tê giác đã chết để sản xuất tinh trùng và trứng để tạo ra những con non trong ống nghiệm sau đó cấy vào động vật sống hoặc một loài có họ hàng gần, chẳng hạn như ngựa.
Tuy nhiên, theo Thomas Hildebrandt và Cesare Galli, các nhà khoa học đứng đầu cuộc nghiên cứu, quá trình này vẫn còn lâu mới tạo ra một con vật hoàn toàn mới. Sự thiếu đa dạng di truyền của các loài động vật có thể gây ra mối đe dọa cho sự tồn tại lâu dài.
Trong khi đó, theo nhà khoa học Indonesia Arief Boediono nằm trong số những người đang hỗ trợ nghiên cứu ở Malaysia, hy vọng thành công sẽ mang lại bài học cho những con tê giác của đất nước ông.
“Có thể mất 5, 10, 20 năm, tôi không biết chính xác nhưng đã có một số thành công liên quan đến chuột thí nghiệm ở Nhật Bản, vì vậy điều đó có nghĩa là có một cơ hội”, Arief cho biết.