1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang có sự tăng trưởng cao

(Dân trí) - “Hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước được đánh giá có sự tăng trưởng cao và ngày càng bài bản hơn, các dự án thu hút được khoảng hơn 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt trong số đó phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài”, ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng Đề án 844 cho hay.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ

Theo đánh giá của Văn phòng đề án 844 (Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”), tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang phát triển mạnh mẽ. Thống kê của tạp chí Echelon, Singapore, một trong những tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp).

Hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang có sự tăng trưởng cao - 1

Đồng thời, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cũng ngày càng tăng cao, thể hiện ở số lượng các thương vụ đầu tư, số lượng vườn ươm, khu làm việc chung phát triển mạnh mẽ trong năm 2017.

Theo thống kê của tổ chức Topica Foun2der Institute (TFI), năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư KNST với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50% về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016 (50 thương vụ với 205 triệu USD). Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như: Kyber Network – nền tảng giao dịch phân cấp mới đáng tin cậy dựa trên công nghệ chuỗi khối, Foody – Mạng xã hội kết nối chia sẻ ẩm thực.

Thống kê sơ bộ thì hiện nay có khoảng 30 cơ sở ươm tạo (BI) và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA), tăng thêm 10 vườn ươm và 3 tổ chức thúc đẩy kinh doanh so với năm 2016. Trong số đó có một số tên tuổi tiêu biểu như: Vườn ươm doanh nghiệp CNC Hòa Lạc; Vườn ươm doanh nghiệp CNC TP Hồ Chí Minh; Vườn ươm Đà Nẵng (DNES); Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC); Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin ĐMST Hà Nội…

“Hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước có sự tăng trưởng cao và bài bản hơn năm 2016. Hết năm 2017 có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam, phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài. Trong số đó, chỉ có một số quỹ đầu tư có văn phòng đại diện ở Việt Nam như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-VinaCapital, 500 Startups”, ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng Đề án 844 chia sẻ.


Ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng Đề án 844.

Ông Phạm Dũng Nam - Giám đốc Văn phòng Đề án 844.

Ông Dũng cũng thông tin thêm, có những quỹ đầu tư doanh nghiệp tư nhân không tập trung đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST nhưng có thể đầu tư vào giai đoạn chuyển tiếp từ khởi nghiệp ĐMST thành doanh nghiệp trưởng thành như Quỹ Mekong Capital, Dragon Capital, VinaCapital. Thêm vào đó, năm 2017 đã chứng kiến sự tham gia của nhiều tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam trong việc thành lập các quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp: Quỹ Sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Venture.

Số lượng và hoạt động của nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam tuy chưa nhiều nhưng bắt đầu có xu hướng tăng, với nhận diện chủ yếu là hầu hết là những doanh nhân khởi nghiệp đã thành công ở thế hệ đầu mong muốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST ở thế hệ sau. Hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống hơn thông qua việc bước đầu phát triển một số hoạt động việc liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST như VIC Impact, iAngel, Angel4us...

Làm sao để lớn mạnh?

Theo bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) thì hiện nay ở Việt Nam sự hiển diện diện của các nhà đầu tư quốc tế là rất lớn. Số lượng giao dịch có sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế chiếm hơn 30%; giá trị đầu tư từ quốc tế cũng gấp hơn 5 lần so với đầu tư trong nước, các khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 vừa qua cũng đều đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.


Bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN).

Bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN).

Chính vì thế để thu hút nguồn đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam rất cần tập trung chú trọng đến việc kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

Để giải quyết bài toàn này, bà Lan cho rằng, thời gian tới cần phải tập trung quảng bá, giới thiệu các startup tiêu biểu của Việt Nam ra quốc tế; giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp này có thể tham gia các vườn ươm khu làm việc chung nổi tiếng thế giới tại các quốc gia khởi nghiệp mạnh như: Singapore, Israel…

Đồng thời mời các chuyên gia diễn giả trong lĩnh vực khởi nghiệp quốc tế đến Việt Nam để đào tạo cho các startup Việt; tăng cường thiết lập các hoạt động chung để kết nối kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước để trao đổi, học hỏi và nâng cao chất lượng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước.

Cùng với đó việc cải thiện quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để dễ dàng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài.

Trong khi đó, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, sáng lập KisStartup, trưởng Tiểu ban kết nối đầu tư Techfest thẳng thắn nhìn nhận: "Để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước lớn mạnh, việc đầu tư nội lực cho đội ngũ startup Việt Nam là một vấn đề rất quan trọng".


Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, sáng lập KisStartup, trưởng Tiểu ban kết nối đầu tư Techfest.

Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, sáng lập KisStartup, trưởng Tiểu ban kết nối đầu tư Techfest.

Đơn cử về vấn đề này bà Tuấn Minh cho hay, năm nay, thông điệp của Techfest 2018 là kết nối với quốc tế nhưng thực trạng trình độ tiếng anh của startup Việt mặt bằng trung là rất kém. Có nhiều nhà đầu tư quốc tế có phản ánh, họ rất mong muốn trao đổi trực tiếp với các startup Việt bằng tiếng Anh nhưng ít có cơ hội; bên cạnh đó các startup Việt vẫn bị đánh giá là còn phản hồi chậm. Đây cũng là vấn đề các startup cần chú trọng đầu tư hơn nữa để dễ dàng có được sự chú ý từ các nhà đầu tư.

Trước ý kiến cho rằng, sau một năm triển khai đề án đã có nhiều động thái để thay đổi thể chế và chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nhưng thực tế hiện nay vẫn còn nhiều rào cản đối với các startup cũng như các nhà đầu tư, ông Phạm Dũng Nam cho hay: “Tốc độ ra đời chính sách thì phải có một độ trễ nhất định. Hiện tại chúng ta đã ra được Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật chuyển giao Công nghệ… nhưng để triển khai thực tế được thì cũng cần phải có thời gian. Hiện nay văn phòng Đề án 844 đang rất nỗ lực thực hiện theo hướng cái gì làm được trước thì sẽ làm trước, chẳng hạn như các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; Hoạt động liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; Hoạt động cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST…”

Ông Dũng cũng khẳng định, thời gian tới sẽ triển khai các hoạt động liên kết của Đề án 844, trong đó trọng tâm nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút các quỹ đầu tư, nhà đầu tư mạo hiểm trong khu vực và trên thế giới cho khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam, thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực ngân hàng, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, …đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST.

Nghiên cứu, rà soát chính sách và kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để giảm bớt những rào cản về mặt thủ tục, giấy phép con, đặc biệt là lĩnh vực CNTT, mạng xã hội, giấy phép thử nghiệm sản phẩm mới, sản phẩm mẫu…

Nguyễn Hùng