1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hồ nước cổ đại trên sao Hỏa từng chứa nhiều loại vi sinh vật

(Dân trí) - Dựa trên các dữ liệu từ tàu thăm dò Curiosity của Nasa, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng hơn 3 tỷ năm trước, một hồ nước từng tồn tại lâu dài trên sao Hỏa có thể cung cấp các điều kiện môi trường phù hợp cho các dạng vi khuẩn khác nhau cùng tồn tại.

Hồ nước cổ đại trên sao Hỏa từng chứa nhiều loại vi sinh vật - 1

Các nhà nghiên cứu thấy rằng hồ nước trong miệng núi lửa Gale trên sao Hỏa đã được phân tầng. Điều này có nghĩa là trong nước hồ ở các phần khác nhau có sự khác biệt về hóa học hoặc vật lý rất rõ rệt. Mực nước nông thì giàu chất ô-xy hóa hơn mực nước sâu.

Theo nhà nghiên cứu Joel Hurowitz từ trường Đại học Stony Brook (Mỹ), “có những môi trường rất khác nhau cùng tồn tại trong hồ nước này. Kiểu phân tầng chất ô-xy hóa này là một đặc điểm phổ biến của các hồ nước trên Trái Đất, và bây giờ chúng ta đã tìm thấy nó trên sao Hỏa”.

Ông cho rằng, “sự đa dạng môi trường trong hồ nước trên sao Hỏa có thể cung cấp nhiều cơ hội cho các loại vi khuẩn khác nhau sinh sống, bao gồm cả những loài sinh trưởng tốt trong các điều kiện kém ô-xy hóa, và những loài sống trong môi trường tiếp giáp giữa các điều kiện đó”.

Chúng ta vẫn chưa biết chắc sao Hỏa đã từng có sự sống hay chưa, nhưng việc tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên bất kỳ hành tinh nào – cho dù là sao Hỏa hay một thế giới băng giá ở xa hơn – đều bắt đầu bằng việc xây dựng lại môi trường để xác định xem liệu nó có thể hỗ trợ cho sự sống hay không.

Mục tiêu chính của tàu thăm dò Curiosity khi hạ cánh xuống miệng núi lửa Gale năm 2012 là nhằm xác định xem có phải sao Hỏa đã từng có những điều kiện phù hợp cho sự sống của vi khuẩn.

Trong năm đầu tiên, trên miệng núi lửa ở “Vịnh Yellowknife”, con tàu thăm dò này đã tìm thấy bằng chứng về các môi trường sông hồ chứa nước thời cổ đại với các thành phần hóa học chính của sự sống và có thể là cả nguồn năng lượng cho sự sống.

Từ đó, tàu Curiosity đã hướng tới chân núi Mount Sharp – một ngọn núi phân lớp nằm bên trong miệng núi lửa – và kiểm tra các lớp đá trẻ hơn khi con tàu tiến đến đỉnh ngọn Mount Sharp thấp.

Theo Ashwin Vasavada - nhà khoa học tham gia dự án Curiosity tại Phòng Thí ngiệm Động cơ phản lực của NASA – “những kết quả này đã mang đến các chi tiết chưa từng có trong việc trả lời cho câu hỏi về các điều kiện môi trường cổ đại trên sao Hỏa”.

Anh Thư (Theo Indiatimes)