Hổ đoạt mạng trâu rừng sau một nhát cắn và cái kết khó ai ngờ
(Dân trí) - Con hổ Bengal liều lĩnh lao vào giữa đàn trâu rừng để săn mồi, lập tức phải hứng chịu sự phản kháng mạnh mẽ từ phía những con mồi cỡ lớn…
Khoảnh khắc hổ Bengal săn mồi được một du khách ghi lại tại Vườn quốc gia Bandipur (bang Karnataka, Ấn Độ), cho thấy một con hổ Bengal đực lao vào giữa đàn trâu rừng để truy đuổi con mồi.
Chỉ bằng một cú cắn mạnh vào cổ, hổ đã có thể nhanh chóng hạ gục một con trâu rừng cỡ lớn. Tuy nhiên, "chúa sơn lâm" không thể dễ dàng thưởng thức thành quả chuyến đi săn của mình.
Khi thấy đồng loại bị hổ tấn công, những thành viên khác trong đàn trâu rừng đã quay trở lại, liều lĩnh mạng sống dùng sừng phản công kẻ săn mồi để giải cứu cho bạn.
Hổ đã cố gắng xua đuổi đàn trâu rừng, nhưng sự chênh lệch về số lượng đã buộc "chúa sơn lâm" phải chấp nhận rút lui.
Việc hổ bị đàn trâu rừng đẩy lui khiến nhiều người phải bất ngờ, khi thông thường trâu rừng sẽ tìm cách bỏ chạy tránh xa kẻ đi săn, thay vì phản công mạnh mẽ như vậy.
Tuy nhiên, nỗ lực của đàn trâu rừng đã không được đền đáp, khi mà con trâu rừng xấu số đã bị chết sau nhát cắn chí mạng của hổ. Đoạn clip cũng cho thấy lý do tại sao hổ được mệnh danh là "chúa tể sơn lâm", khi có thể dễ dàng hạ gục con mồi to lớn chỉ sau một cú cắn.
Các nhân chứng cho biết hổ chỉ tạm thời rút lui, chờ cho đàn trâu rừng rời đi, khi này nó mới quay trở lại và bắt đầu thưởng thức thành quả của chuyến đi săn.
Hổ Bengal là một trong những loài hổ lớn nhất thế giới, được tìm thấy nhiều nhất tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan và miền nam Tây Tạng. Đây là loài động vật được xem là biểu tượng của Ấn Độ.
Hổ Bengal đực trưởng thành dài từ 2,7 đến 3,7m nếu tính cả đuôi. Cân nặng của hổ đực từ 180 đến 300kg, tuy nhiên, một vài cá thể có thể nặng hơn 300kg và dài tới 4m (có tính cả đuôi), dù số lượng này không nhiều. Hổ Bengal cái trưởng thành dài từ 2,1 đến 2,8m (khi tính cả đuôi), nặng từ 110 đến 200kg.
Do hổ Bengal là loài sống độc lập và săn mồi một mình, chúng thường chọn những con mồi có kích thước nhỏ để tránh bị thương khi săn mồi, chẳng hạn như nai, hươu sao, lợn rừng, linh dương bò lam…
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hổ cũng có thể săn cả những loài có kích thước lớn như trâu rừng, bò tót… những con mồi cỡ lớn giúp hổ có được bữa ăn no nê, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị thương khi săn mồi. Nếu bị thương, hổ sẽ khó tự mình săn mồi và có thể bị chết đói.
Hổ Bengal không tấn công những con vật kích thước lớn như voi châu Á, gấu hay tê giác Ấn Độ… nhưng đôi khi sẽ tấn công con non của những loài vật này để ăn thịt.
Những trường hợp hổ tấn công voi trưởng thành rất hiếm khi xảy ra, nhưng không phải là không có. Theo tờ báo Indian Express, vào năm 2009, một con voi trong khu bảo tồn thiên nhiên Eravikulam (bang Kerala, Ấn Độ) đã bị hổ tấn công và giết chết.
Với sức mạnh và khả năng săn mồi độc lập, sẵn sàng đối đầu những con vật to lớn, không quá khi gọi hổ là "chúa tể rừng xanh" và có thể khiến bất cứ loài vật nào trong rừng cũng phải hoảng sợ khi đối đầu.
Theo NK/ITN