1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hiểu biết cơ bản về Vitamin E: Nguồn cung cấp, lợi ích và rủi ro khi sử dụng

(Dân trí) - Vitamin E là một dưỡng chất thiết yếu để chúng ta có sức khỏe tốt. Vitamin E có trong rất nhiều loại thực phẩm tự nhiên và thực phẩm bổ sung. Cách tốt nhất để hấp thụ vitamin này là bằng một chế độ ăn lành mạnh.

Việc thiếu hụt vitamin E rất hiếm xảy ra, trong khi đó dùng quá liều do sử dụng thực phẩm bổ sung lại là điều đáng lo ngại. Người có một số vấn đề cụ thể về sức khỏe hoặc đang uống một số loại thuốc nào đó cần cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin E.

Hiểu biết cơ bản về Vitamin E: Nguồn cung cấp, lợi ích và rủi ro khi sử dụng - 1

Nguồn cung cấp vitamin E

Vitamin E là một nhóm hợp chất hòa tan trong chất béo. Trong tự nhiên, nó tồn tại dưới 8 dạng khác nhau, bao gồm 4 tocopherol (là alpha, beta, gamma và delta) và 4 tocotriennol. Alpha tocopherol là dạng phổ biến nhất và có tác dụng nhất đối với sức khỏe con người.

Theo Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ, nguồn cung cấp vitamin E tốt nhất trong thực phẩm là các loại hạt, như hạnh nhân, lạc, hạt phỉ, và các loại dầu thực vật, như dầu hướng dương, dầu mầm lúa mạch, dầu hoa rum, dầu hạt ngô và dầu đậu nành. Hạt hướng dương và các loại rau lá xanh thẫm như cải bó xôi và xúp lơ xanh cũng rất giàu vitamin E.

Cơ thể bạn cần bao nhiêu vitamin E?

Theo Viện chăm sóc Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH), tiêu chuẩn dinh dưỡng khuyến nghị (RDA) đối với vitamin E là 15 mg (hay 22,4 IU)/ ngày đối với người từ 14 tuổi trở lên. Phụ nữ cho con bú có thể cần nhiều hơn một chút, vì thế RDA đối với họ là 19 mg (28,4 IU). Các dạng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin E liều lượng dưới 1.000 mg (1.500 IU) được coi là an toàn cho đa số người lớn.

Đối với trẻ từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, RDA là 4 mg (6 IU), từ trên 6 tháng đến 1 năm tuổi là 5 mg (7,5 IU); từ 1 đến 3 tuổi: 6 mg (9 IU), 4 đến 8 tuổi: 7 mg (10,4 IU) và 9 đến 13 tuổi: 11 mg (16,4 IU).

Phần lớn mọi người có thể hấp thụ đủ vitamin E qua chế độ ăn uống bình thường và không cần các nguồn bổ sung khác. Nếu bạn có ý định bổ sung vitamin E, hãy tham vấn bác sĩ, nhất là khi bạn đang được điều trị y tế, bởi vì có đến hơn 250 loại thuốc có phản ứng với vitamin E.

Thiếu vitamin E

Theo NIH, cho dù cơ thể mỗi người hấp thụ vitamin E nhiều ít khác nhau, nhưng việc thiếu hụt vitamin E rất hiếm xảy ra. Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin E nhất. Các dấu hiệu của tình trạng thiếu vitamin E bao gồm: thiếu máu, mắc bệnh cơ xương khớp, mất điều vận, tổn thương thần kinh ngoại vi, bệnh võng mạc, suy giảm đáp ứng miễn dịch và tổn thương thần kinh.

Tác dụng của vitamin E

Chế độ ăn uống có đủ lượng vitamin E cần thiết mang lại nhiều lợi ích. Là một dưỡng chất hòa tan trong chất béo, vitamin E có chức năng chính là một chất chống ô-xy hóa, giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị các gốc tự do phá hủy. Ngoài ra, vitamin E còn có tác dụng ngăn ngừa mắc các bệnh tim, ung thư và sa sút trí tuệ.

Ngoài chức năng bảo vệ tế bào, vitamin D vô cùng cần thiết đối với hệ miễn dịch. Là một chất chống ô-xi hóa rất tốt, nó giúp các tế bào chống lại sự tấn công của mầm bệnh. Vitamin này còn có tác dụng bảo vệ thị lực, giảm nguy cơ đục thủy tinh thể ở người cao tuổi.

Một vai trò quan trọng khác của vitamin E là sản xuất ra các chất giống như hormone, được gọi là các prostaglandin, chịu trách nhiệm điều hòa các quá trình diễn ra trong cơ thể như là huyết áp và vận động cơ bắp. Người mắc bệnh Crohn (một loại bệnh đường ruột), bệnh u xơ nang hoặc gan không tiết ra mật trong quá trình tiêu hóa cũng có thể được bác sĩ cho dùng bổ sung vitamin E để hỗ trợ điều trị.

Rủi ro khi sử dụng bổ sung vitamin E

Một số người nhạy cảm với vitamin E bổ sung và có thể bị tiêu chảy, hoa mắt chóng mặt, cồn cào dạ dày, yếu mệt, đau đầu, mẩn ngứa hoặc các vấn đề khác.

Cũng như các vitamin khác hòa tan trong chất béo, vitamin E được cất giữ trong cơ thể và lượng dư thừa không bị đào thải qua đường tiểu. Điều đó có nghĩa là qua một quá trình dài tích trữ thêm, lượng dư thừa vitamin E sẽ đến mức gây độc hại, gây chảy máu bất thường và nhiều triệu chứng khác như mệt mỏi, chóng mặt, nhìn các vật bị nhòe, rối loạn chức năng buồng trứng. Vitamin này cũng là một chất gây loãng máu thể nhẹ, vì thế cần tránh sử dụng liều cao trước khi người đó được phẫu thuật.

Trong một nghiên cứu tiến hành năm 2005, nhóm chuyên gia của Viện Y khoa John Hopkins (Mỹ) nhằm chứng minh tác dụng của vitamin E trong điều trị bệnh tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, họ đã thấy rằng sử dụng vitamin liều cao làm tăng tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và ung thư. Các chuyên gia kết luận rằng cần tránh sử dụng vitamin E liều cao, kết luận này được công bố trên tập san Annals of Internal Medicine.

Tương tự như nghiên cứu đó, một nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng người sử dụng bổ sung các chất chống ô-xy hóa, trong đó có vitamin E, có nguy cơ tử vong cao hơn một chút. Các kết quả của nghiên cứu này tập trung vào 68 nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên trên 232.606 người tham gia trong khoảng thời gian trung bình là 3,3 năm. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố vào năm 2007 trên tập san của Hiệp hội Y khoa Mỹ.

Phạm Hường (Theo Live science)