Hé lộ nguyên nhân thảm kịch giẫm đạp Itaewon dưới góc độ khoa học

Minh Khôi

(Dân trí) - Các chuyên gia giải thích cặn kẽ về nguyên nhân, cũng như cách phòng tránh đối với thảm kịch giẫm đạp xảy ra tại khu phố giải trí Itaewon ở thủ đô Seoul đêm 29/10.

Hé lộ nguyên nhân thảm kịch giẫm đạp Itaewon dưới góc độ khoa học - 1

Góc phố ở quận Itaewon, Seoul vẫn hoang tàn sau khi xảy ra thảm họa giẫm đạp kinh hoàng dịp Halloween, khiến hơn 150 người chết (Ảnh: AFP).

Thảm kịch kinh hoàng xảy ra dịp lễ Halloween tại thủ đô của Hàn Quốc đã khiến 156 người thiệt mạng và 172 người bị thương. Giới chức địa phương vẫn đang tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng và đưa ra lời giải thích minh bạch cho công chúng.

Cũng trong tối 29/10, một vụ giẫm đạp khác xảy ra tại buổi biểu diễn ca nhạc ở thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Congo, khiến 11 người thiệt mạng.

Hai sự việc tồi tệ cùng xảy ra với kịch bản tương tự sẽ được giải thích thế nào dưới góc độ khoa học, và liệu có thể phòng tránh những tình huống như vậy hay không?

Điều gì đã xảy ra?

Tối 29/10, ước tính khoảng 100.000 người, chủ yếu là các thanh thiếu niên ở độ tuổi đôi mươi, đã đổ về những con đường dốc và hẹp của khu phố Itaewon, Seoul để tham dự một trong những lễ kỷ niệm lớn đầu tiên của đất nước này kể từ khi các hạn chế của Covid-19 được dỡ bỏ.

Sau 10 giờ tối, sự hỗn loạn bắt đầu xảy ra ở một góc đường nhỏ, dốc, nằm gần ga Itaewon, nơi kết nối với khá nhiều quán bar và câu lạc bộ từ đường chính.

Hé lộ nguyên nhân thảm kịch giẫm đạp Itaewon dưới góc độ khoa học - 2

Toàn cảnh đám đông ở khu phố nơi diễn ra thảm kịch (Ảnh: Todayonline).

Đoạn video chia sẻ về vụ giẫm đạp tại Hàn Quốc cho thấy, đám đông ban đầu khá yên bình, nhưng khi mọi người bắt đầu đẩy vào một con hẻm thì thảm kịch xảy ra.

Các nhân chứng cho biết họ đã nhìn thấy đám đông dồn về từ nhiều hướng khác nhau, trước khi một số người trượt chân ở đỉnh dốc, gây ra "hiệu ứng domino".

Lần lượt từng người một ngã xuống, kéo theo những người xung quanh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Rất nhiều người do chịu áp lực mạnh chèn ép, dẫn đến ngạt thở. Những người khác cố gắng mở rộng "vòng vây", thậm chí nhảy vào nhà dân, các tòa nhà... để trốn thoát.

Lý giải lực đẩy của đám đông

GS. Edwin Galea, chuyên gia về hành vi đám đông tại Đại học Greenwich (Anh) giải thích: "Tình trạng quá tải, đám đông di chuyển thiếu kiểm soát và đoạn đường hẹp chính là công thức dẫn đến thảm họa".

Phân tích kỹ hơn, GS. Galea cho rằng nếu mật độ đám đông vượt quá 4 người/mét vuông, và đặc biệt lên đến 6 người, thì nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ tăng lên đáng kể.

Hé lộ nguyên nhân thảm kịch giẫm đạp Itaewon dưới góc độ khoa học - 3

Đám đông xô đẩy, mất kiểm soát là một trong những yếu tố dẫn tới thảm họa (Ảnh minh họa).

Lực đẩy của đám đông có thể xảy ra khi có quá nhiều người xuất hiện bên trong một khu vực bó buộc, bất kể là họ đang cố gắng tiến vào bên trong, hoặc rời đi. Những người này có thể bị ép đến mức phổi không thể mở ra được nữa, và đối mặt nguy cơ bị ngạt thở do lực nén.

Dẫu vậy, đa số những người bị chết trong đám đông là những người bị đẩy vào tường, nơi họ chịu lực rất mạnh từ 1 phía, và không thể thoát ra ở phía còn lại. Ngay cả một người cho dù rất khỏe, cũng không thể thắng lại lực đẩy từ hàng chục, thậm chí hàng trăm người xung quanh.

Thông thường, cho dù một đám đông xử lý bình tĩnh đến đâu, cũng chỉ có một lối thoát rất nhỏ, giúp cho những người đứng ở khu vực này có thể tới ngay được nơi an toàn. Những người khác sẽ giẫm đạp lên nhau để tìm đường thoát thân, và càng làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn.

John Drury, một chuyên gia về tâm lý đám đông tại Đại học Sussex cho biết thảm kịch giẫm đạp thường liên quan đến 3 yếu tố liên kết với nhau, bao gồm: Quá tải, sóng người hoặc chuyển động trong một đám đông vốn đã cực kỳ dày đặc, và ngã nhào dẫn tới xếp chồng lên nhau.

"Tất cả những yếu tố này đều xuất hiện tại Itaewon trong dịp Halloween vừa qua", Drury cho biết.

Hé lộ nguyên nhân thảm kịch giẫm đạp Itaewon dưới góc độ khoa học - 4

"Đầu tiên, rõ ràng mật độ đám đông trên 5 người/mét vuông là rất nguy hiểm. Thứ hai, đã có những làn sóng người khiến những người xung quanh ngã nhào, hay thậm chí bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất", Drury nói. "Khi mọi người đứng sát với nhau, một chuyển động dù là rất nhỏ cũng có thể "bẻ gãy" đám đông, và tạo thêm áp lực".

"Thứ ba, sự hỗn loạn xảy ra khi có nhiều người ngã xuống, và những người khác đè lên phía trên họ".

Địa hình tại khu dốc Itaewon cũng là một trong những yếu tố góp phần khiến thảm kịch trở nên trầm trọng hơn, chuyên gia này cho biết. Theo đó, lối đi hẹp khiến mọi người bị vây kín ở cả 2 phía. Trong khi đó, con đường dốc tạo thêm nhiều lực đẩy, đặc biệt là với những người đứng ở giữa con dốc và cuối dốc. Nó cũng khiến đám đông dễ mất thăng bằng và ngã nhào.

Một điểm nữa cũng được nhắc tới, đó là đám đông hề không hay biết về mối nguy hiểm đang chờ đón họ. "Những người này tiến vào một sự kiện đặc biệt đông người mà không hề ý thức được rằng có nguy hiểm ở phía trước", Drury lý giải.

"Thay vào đó, họ thường cảm thấy phấn khích vì được hòa mình vào dòng người khi đang cùng chia sẻ niềm vui. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, bởi ai cũng bỏ qua sự an toàn".

Làm thế nào để ngăn chặn những thảm họa tương tự?

Các chuyên gia đều đồng ý rằng việc kiểm soát đám đông đối với các sự kiện quy mô lớn đã được lên kế hoạch là điều cần thiết.

GS. Galea và nhóm của ông tại Đại học Greenwich đã sử dụng các thí nghiệm hành vi và mô hình toán học để tìm hiểu cách thức đám đông di chuyển trong các tình huống cụ thể khác nhau, được mô phỏng như sau:

Hé lộ nguyên nhân thảm kịch giẫm đạp Itaewon dưới góc độ khoa học - 5

G Keith Still, một chuyên gia về an toàn đám đông và là giáo sư tại Đại học Suffolk, nhấn mạnh rằng việc đảm bảo an toàn việc di chuyển bên trong một đám đông là không quá phức tạp.

Theo đó, từ mỗi người tham gia cho đến ban quản lý cần nắm được những kiến thức đơn giản, bao gồm: Hiểu được giới hạn đám đông, các tuyến đường, sự di chuyển của dòng người, và theo dõi mức độ gia tăng của mật độ đám đông tại từng thời điểm.

Dựa vào những yếu tố trên, kết hợp với kinh nghiệm, cảnh sát hay các nhà hoạch định sự kiện hoàn toàn có thể phòng ngừa, dự đoán và tránh được những thảm họa giẫm đạp, G Keith Still khẳng định.