Hé lộ cơ chế não bộ của người đàn ông nhìn thế giới lộn ngược
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã lý giải về trường hợp người đàn ông sống sót sau khi bị một viên đạn bắn vào đầu, anh ta tỉnh dậy trong một thế giới đảo ngược.
Nhà thần kinh học Justo Gonzalo Rodríguez-Leal (1910-1986) đã thực hiện nghiên cứu về một người đàn ông kỳ lạ bị tổn thương não khiến góc nhìn của anh với thế giới bị lộn ngược.
Hồ sơ của người đàn ông được đặt tên là "Bệnh nhân M", danh tính của anh không được tiết lộ.
Justo Gonzalo được biết đến là cha đẻ của lý thuyết về động lực học não bộ, ông đã có những đóng góp lớn cho nền tảng khoa học thần kinh hiện đại thông qua nghiên cứu của mình về "bệnh nhân M".
Mới đây, con gái của ông, giáo sư Isabel Gonzalo, Đại học Complutense Madrid (Tây Ban Nha) đã xem xét lại các ghi chú của cha mình trong quá trình nghiên cứu về người đàn ông kỳ lạ này.
Cô đã đưa ra một nghiên cứu mới hé lộ cơ chế thần kinh đặc biệt của anh.
Trước đó, vào năm 1938, một người lính (khi đó 25 tuổi) thuộc quân đội Cộng hòa Tây Ban Nha trong lúc làm nhiệm vụ trên chiến trường đã bị một viên đạn bắn vào đầu.
Bất chấp mức độ nghiêm trọng từ chấn thương, các bác sĩ đã không cần phải phẫu thuật khi sức khỏe của người lính tự hồi phục "một cách kỳ diệu" chỉ trong vài ngày điều trị.
Sau khi tỉnh dậy, anh đã quan sát thế giới một cách lộn ngược.
"Bệnh nhân M" được coi là một trường hợp lịch sử độc đáo, đồng thời anh còn là nhân chứng sống thời điểm bấy giờ cho thấy khả năng phục hồi phi thường của não khi cơ thể gặp chấn thương, đe dọa đến tính mạng.
Di chứng bất thường
Các cuộc kiểm tra lâm sàng do Justo Gonzalo thực hiện cho thấy, người lính bị giảm đáng kể trường thị giác của mình ở cả hai mắt.
Cụ thể, tầm nhìn mắt của anh đã tách rời về màu sắc, nó (màu sắc) dường như được tách ra khỏi các vật thể theo đúng nghĩa đen.
Bệnh nhân cũng bị nhiễm sắc thể trung tâm dẫn đến việc mắt của người lính phần lớn quan sát cuộc sống nhuốm màu xanh lá cây.
Đặc biệt, nhiều bất thường đã được phát hiện trong thị giác của cựu chiến binh, anh đã mất nhận thức về chuyển động và tầm nhìn bị lộn ngược.
Khi đó, con người và đồ vật trong mắt anh dường như trái ngược với vị trí thực tế của chúng và người này có thể đọc các chữ cái, số ở vị trí thông thường và khi lộn ngược.
Ngoài ra, nhận thức thính giác và xúc giác của bệnh nhân M cũng bị đảo ngược, do đó âm thanh và xúc giác xuất hiện trong tâm trí anh ấy sẽ ở phía đối diện.
Ví như tiếng nói phát ra ở phía bên tai phải bệnh nhân thì anh sẽ cảm nhận nó ở phía bên tai trái.
Tuy nhiên, bất chấp những ảnh hưởng về tầm nhìn và thính giác, người cựu chiến binh vẫn có thể làm các công việc hằng ngày như những người bình thường.
Theo các chuyên gia, khả năng phục hồi chức năng đáng kinh ngạc này là kết quả của việc não bộ phát triển một cách vô thức để đáp ứng với những thay đổi do các tổn thương gây ra.
Sự thích nghi của não
Từ những quan sát và nghiên cứu của mình, Justo Gonzalo đã phát hiện ra rằng, hậu quả của tổn thương vỏ não phụ thuộc vào hai yếu tố chính: vị trí và mức độ.
Chúng gây rối loạn và mức độ suy giảm chức năng của não.
Tùy thuộc vào vị trí của tổn thương, nhà khoa học đã đưa ra ba hội chứng vỏ não riêng biệt bao gồm: trung ương, trung tâm và cận biên.
Hội chứng vỏ não trung ương đặc trưng bởi tình trạng đa giác quan bao gồm thị giác, xúc giác và thính giác song phương và đối xứng.
Chúng bao gồm một tập hợp các hiện tượng năng động liên quan đến những thay đổi về tính dễ bị kích thích của thần kinh.
Hội chứng trung tâm tương tự như hội chứng trung ương, nhưng được biểu hiện bằng các hiệu ứng không đối xứng.
Hội chứng cận biên dẫn đến rối loạn các đường chiếu không gian và cảm giác.
Do đó, nhận thức ngược sẽ là kết quả của một quá trình tích hợp gây ra bởi hội chứng này.
Nhiều quan sát lâm sàng sâu hơn đã hỗ trợ lý thuyết động lực học não bộ của Justo Gonzalo mà ngày nay nó tạo thành cơ sở của nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh.
Bên cạnh đó, nó còn cho thấy sự thích nghi của não khi gặp những chấn thương khiến người bệnh không bị mất hoàn toàn những chức năng liên quan.
Nghiên cứu của Isabel Gonzalo được công bố trên tạp chí Neurologia.