1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Hàn Quốc phóng tàu vũ trụ đầu tiên lên Mặt Trăng, "đi nhờ" tên lửa của Mỹ

Minh Khôi

(Dân trí) - Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phóng thành công tàu thăm dò Mặt Trăng.

Hàn Quốc phóng tàu vũ trụ đầu tiên lên Mặt Trăng, đi nhờ tên lửa của Mỹ - 1

Tên lửa SpaceX Falcon 9 mang theo tàu vũ trụ Pathfinder của Hàn Quốc, còn được gọi là Danuri phóng lên khỏi mặt đất vào ngày 4/8 (Ảnh: SpaceX).

Tàu thăm dò quỹ đạo Mặt Trăng Pathfinder của Hàn Quốc (KPLO) - còn gọi là Danuri, vừa được phóng thành công vào 6:08 sáng nay (theo giờ Việt Nam) tại Trạm không quân Cape Canaveral, Florida (Mỹ).

Tàu Danuri được gắn phía trên tên lửa Falcon 9 của công ty hàng không vũ trụ SpaceX, dự kiến sẽ tới Mặt Trăng vào khoảng giữa tháng 12. Đây được xem là cột mốc quan trọng trong lịch sử khám phá không gian của Hàn Quốc.

"Danuri mới chỉ là bước khởi đầu. Nếu chúng ta có đủ quyết tâm và cam kết phát triển công nghệ trong lĩnh vực du hành vũ trụ, chúng ta sẽ có thể đến được Sao Hỏa, và nhiều nơi khác trong tương lai gần", ông Lee Sang Ryool, chủ tịch Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc cho biết.

Trước mắt, việc phóng tàu vũ trụ Danuri thành công sẽ là tiền đề dẫn tới một sứ mệnh tiếp theo của Hàn Quốc, liên quan tới hạ cánh một robot lên bề mặt của Mặt Trăng vào năm 2030.

"Đạt được khả năng thăm dò Mặt Trăng sẽ nâng cao tri thức trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, cũng như vị thế và niềm tự hào của Hàn Quốc", Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) cho biết trong một tuyên bố.

Mặc dù đã được tên lửa Falcon của SpaceX đưa lên khỏi mặt đất, song Pathfinder vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước, kéo dài khoảng 4 tháng, để chạm tới vùng quỹ đạo cách Mặt Trăng 100 km.

Hàn Quốc phóng tàu vũ trụ đầu tiên lên Mặt Trăng, đi nhờ tên lửa của Mỹ - 2

Đồ họa mô phỏng thiết kế của tàu Danuri (Ảnh: Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc).

Tàu vũ trụ nặng 678 kg mang theo 6 thiết bị khoa học, với 5 trong số đó được nghiên cứu và sản xuất tại Hàn Quốc, nhằm thu thập các dữ liệu, đánh giá các nguồn tài nguyên như nước dạng băng, uranium, helium-3, silicon, nhôm..., cũng như lập bản đồ địa hình trong suốt sứ mệnh kéo dài ít nhất 1 năm của tàu Pathfinder.

Những dữ liệu này sau đó sẽ được gửi về Trái Đất, và được phân tích bởi các chuyên gia Hàn Quốc, nhằm tìm ra những đặc điểm phù hợp, cũng như xây dựng lộ trình để tiếp tục triển khai các sứ mệnh trong tương lai.

Con tàu cũng mang theo thiết bị đầu tiên trên thế giới có khả năng đánh giá khả năng chịu gián đoạn kết nối trong không gian.

Nhờ vào thiết bị này, sứ mệnh sẽ phát triển một mạng lưới Internet không dây để liên kết với các vệ tinh hoặc tàu vũ trụ thăm dò được phóng sắp tới, Bộ Khoa học Hàn Quốc cho biết.

Trước đó vào ngày 21/6 (theo giờ địa phương), Hàn Quốc cũng đạt được cột mốc đáng chú ý trong lĩnh vực khoa học vũ trụ, khi tên lửa Nuri do họ chế tạo đã cất cánh thành công từ Trung tâm Vũ trụ Naro, cách Seoul khoảng 485 km về phía Nam, đưa theo 6 trọng tải vào quỹ đạo Trái Đất.