Hai nhà Nobel đến Bình Định dự hội thảo “Khoa học để phát triển”
(Dân trí) - Chiều 8/5, GS Finn Kydland - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004 và GS Gerard ‘t Hooft - giải Nobel Vật lý năm 1999 đã đến TP Quy Nhơn (Bình Định) để tham dự chương trình “Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 14 - năm 2018.
Đây là lần thứ hai cả hai nhà khoa học đến Bình Định dự sự kiện khoa học quốc tế của “Gặp gỡ Việt Nam”, trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 năm 2018.
Giáo sư vật lý Gerard t’Hooft là một nhà vật lý lý thuyết và là giáo sư tại Đại học Utrecht, Hà Lan. Ông cùng cố vấn luận văn Martinus J.Gelelteltđã đạt giải Nobel Vật lý năm 1999 với đề tài "làm sáng tỏ cấu trúc lượng tử của các tương tác điện tử”. Các tác phẩm của ông tập trung vào lý thuyết đo, các lỗ đen, trọng lực lượng tử và các khía cạnh cơ bản của cơ học lượng tử.
Giáo sư kinh tế Finn Kydland là nhà kinh tế học người Na Uy. Kydland được trao giải Nobel Kinh tế năm 2004 (cùng với Edward C. Prescott) cho những đóng góp của họ về kinh tế vĩ mô động: thời gian nhất quán của các chính sách kinh tế và động lực thúc đẩy chu trình kinh doanh.
Cùng với 200 nhà khoa học, chính trị gia và doanh nghiệp trong nước, quốc tế, GS Finn Kydland và GS Gerard ‘t Hooft sẽ tham dự hội thảo khoa học “Khoa học để phát triển” diễn ra trong 2 ngày 9-10/5, tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở TP Quy Nhơn, Bình Định.
Tại sự kiện này, hai nhà khoa học đoạt giải Nobel có phát biểu quan trọng phiên khai mạc hội thảo. Ngoài ra, GS Finn Kydland tham gia thảo luận bàn tròn về chủ đề “Tác động xã hội và kinh tế của khoa học đối với xã hội” chiều 9/5; còn GS Gerard ‘t Hooft sẽ gợi mở các vấn đề của hội thảo bàn tròn “Các mô hình khoa học và sự phát triển”, sáng 10/5.
Ngoài ra, với mục tiêu đưa khoa học đến gần với người dân, trong chuyến đi đến Việt Nam lần này, hai giáo sư sẽ truyền ngọn lửa về khoa học cho các em học sinh thông qua các buổi nói chuyện tại Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh.
Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, Hội thảo sẽ đề cập đến vai trò của khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng cho sự phát triển bền vững của xã hội. Hội thảo sẽ thảo luận về tình hình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các viễn cảnh tương lai của nó dưới góc nhìn của giới khoa học, công nghệ và đổi mới.
Giáo sư Finn Kydland là nhà kinh tế học người Na Uy cùng phu nhân đã đến Bình Định. Giáo sư Kydland được trao giải Nobel Kinh tế năm 2004 (cùng với Edward C. Prescott).Hội thảo cũng nhằm cung cấp một cái nhìn đa chiều về việc thực hiện chương trình, với sự đóng góp của các nước đang phát triển từ các khu vực khác nhau. Tại hội thảo, các cuộc thảo luận bàn tròn sẽ đề cập đến các tác động kinh tế và xã hội của khoa học đối với xã hội, sự đóng góp của khoa học với việc hoạch định chính sách và sự liên quan của khoa học với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Hội thảo cũng tập trung vào mục đích khuyến khích thảo luận và chuẩn bị các đề xuất cụ thể về vai trò của khoa học trong việc khuyến khích các cuộc đối thoại đa văn hóa và hòa bình, cũng như về vai trò của khoa học trong việc khởi xướng đưa ra các cảnh báo sớm và đề xuất các giải pháp giải quyết. Những khám phá và tìm hiểu về các cơ chế liên quan đến khoa học đối với sự phát triển, có thể giúp cho nhiều quốc gia trong sự đầu tư của họ”, GS Trần Thanh Vân cho biết.
Doãn Công