1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hai ngành công nghiệp có thể khiến 1 tỷ người chết cuối thế kỷ này

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Nếu sự nóng lên toàn cầu đạt tới 2 độ C vào năm 2100, ngành công nghiệp khí đốt và dầu mỏ phải chịu trách nhiệm về cái chết của khoảng 1 tỷ người trong các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương.

Hai ngành công nghiệp có thể khiến 1 tỷ người chết cuối thế kỷ này - 1

Khí thải CO2 là một trong những nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu toàn cầu (Ảnh: Reuters).

Cảnh báo trên được công bố trong một bản đánh giá trên tạp chí Energies, từ việc phân tích 180 nghiên cứu liên quan đến tỷ lệ tử vong của con người do biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã đưa ra một con số đáng lo ngại. 

Khí CO2 liên tục gia tăng

Cho đến nay, lượng khí thải CO2 liên quan đến nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục gia tăng vì lý do kinh tế và địa chính trị, bất chấp những cảnh báo của các tổ chức khí hậu quốc tế và nhà khoa học về tác động việc nóng lên toàn cầu.

Điều này sẽ dẫn đến sự ngộ sát (vô ý làm chết người) bởi nhóm dân cư giàu có trên thế giới, những người kiểm soát các ngành công nghiệp này.

Các nhà khoa học ước tính, biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và có khả năng không thể khắc phục được đối với môi trường, nhân loại và nền kinh tế. 

Bất chấp những cảnh báo và tác động ngày càng rõ ràng hơn, nồng độ CO2 trong khí quyển vẫn tiếp tục tăng trên toàn cầu. Phần lớn lượng khí thải này đến từ ngành công nghiệp dầu khí, được kiểm soát bởi một số công ty quyền lực nhất thế giới. 

Vì lý do kinh tế hoặc chiến lược, phần lớn các hệ thống chính trị chưa thực sự đưa ra chính sách quyết liệt, áp dụng các giải pháp phù hợp, hạn chế sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch.

Quy tắc 1.000 tấn

Sự nóng lên toàn cầu có thể gây ra thiệt hại về người một cách trực tiếp và gián tiếp. Điển hình như một trong số những nguyên nhân trực tiếp chính là sóng nhiệt, các đợt nắng nóng kỷ lục khiến hàng nghìn người thiệt mạng mỗi năm. 

Những tác động gián tiếp bao gồm hạn hán, thiệt hại về nông nghiệp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt (không phải nắng nóng), cháy rừng, diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt là khu vực châu Phi và châu Âu trong mùa hè qua.

Hai ngành công nghiệp có thể khiến 1 tỷ người chết cuối thế kỷ này - 2

Nhiều khu vực tại Hy Lạp đang đối mặt với cháy rừng diện rộng gây ra thời tiết khô nóng (Ảnh: AP).

Những hiện tượng này có thể làm trầm trọng thêm nạn đói cũng như các vấn đề sức khỏe cộng đồng, do nó có thể gây ra các dịch bệnh mới. 

Trước đây, các nhà khoa học đưa ra một phương pháp tính toán, được gọi là "quy tắc 1.000 tấn", ước tính thiệt hại về người liên quan đến lượng khí thải carbon. 

Theo quy tắc này, ước tính cứ 1.000 tấn carbon bị đốt cháy thì có một trường hợp tử vong sớm. Do đó, việc đốt cháy một nghìn tỷ tấn carbon hóa thạch, khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng từ 2 độ C trở lên, có thể gây ra tử vong 1 tỷ người trong khoảng thời gian một thế kỷ. 

Nhà khoa học Joshua Pearce và đồng nghiệp, Đại học Western Ontario (Canada) đã phân tích 180 nghiên cứu, tất cả cho thấy chúng đều hướng tới kịch bản này. 

"Tử vong hàng loạt như vậy là không thể chấp nhận được. Khi những dự đoán về mô hình khí hậu trở nên rõ ràng hơn, tác hại chúng ta gây ra cho trẻ em và thế hệ tương lai ngày càng có thể xảy ra. Thật đáng buồn, chúng xảy ra từ chính hành động của con người ở hiện tại", Pearce cho biết. 

Hai ngành công nghiệp có thể khiến 1 tỷ người chết cuối thế kỷ này - 3

Rừng và các khu dự trữ sinh quyển có tác dụng hấp thụ CO2 giúp giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu (Ảnh: Đức Văn).

Trước năm 2022, nhân loại đã đốt khoảng 0,6 nghìn tỷ tấn carbon hóa thạch, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Dựa trên tốc độ khai thác và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của thế giới hiện nay, mức tăng này có thể tăng lên 2 độ C vào năm 2100.

Nếu 5 nghìn tỷ tấn carbon hóa thạch còn lại trong lớp vỏ Trái Đất bị tiêu thụ, nhiệt độ sẽ tăng vọt, tổng cộng tăng 10 độ C.

Kết quả của nghiên cứu mới đưa ra hồi chuông đáng báo động cho toàn nhân loại, nó nêu bật nhu cầu cấp thiết của các quốc gia phải cải cách các chính sách năng lượng hiện tại và bắt đầu hành động vững chắc, cụ thể để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. 

"Sự nóng lên toàn cầu không chỉ là vấn đề sống còn của một tỷ người, mà của toàn nhân loại trong tương lai. Do đó, quá trình chuyển đổi năng lượng cần thực hiện và thay đổi nhanh hơn nhiều kể từ bây giờ", Pearce cảnh báo. 

Hiện tại, thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ năng lượng xanh, các chính sách cụ thể liên quan đến trình chuyển đổi năng lượng và khử cacbon đang gặp khó khăn trong việc áp dụng hoặc tạo ra những tác động tích cực rõ ràng. 

Theo một báo cáo gần đây tiết lộ, tín chỉ carbon (từ các dự án bảo tồn rừng) do công ước REDD+ thiết lập, sẽ còn rất lâu mới có thể bù đắp được lượng khí CO2 của các công ty lớn trên thế giới thải ra môi trường. 

Một số giải pháp giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu:

Cải thiện mô hình tiết kiệm, hiệu quả và tiêu thụ năng lượng. Điều này có thể được hỗ trợ bởi các chương trình của chính phủ dành riêng cho người tiêu dùng làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và giao thông.

Tiêu dùng dân dụng và nội địa phải được đưa vào các chương trình này. Điều cần thiết là phải thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Các nguồn năng lượng xanh phải được mở rộng quy mô và có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Công nghệ cô lập carbon cần phát triển và áp dụng nhanh chóng trong cuộc sống. 

Các giải pháp trong tự nhiên như trồng rừng và nông nghiệp tái tạo cần phổ biến hơn.

Nhóm nhà khoa học trong nghiên cứu cũng đề xuất thay thế trợ cấp carbon bằng thuế carbon, một giải pháp phù hợp hơn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo trustmyscience.com