1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hà Nội ít mây, có thể quan sát "siêu trăng máu" lúc 18 giờ tối nay

Minh Khôi

(Dân trí) - Tối nay 26/5, hiện tượng thiên văn được giới yêu khoa học mong chờ sẽ diễn ra. Tuy nhiên, yếu tố thời tiết sẽ ảnh hưởng đáng kể tới "siêu trăng máu".

Hà Nội ít mây, có thể quan sát siêu trăng máu lúc 18 giờ tối nay - 1

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh miền Bắc và ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời ít mây, ít mưa vào đêm nay. Do đó, các khu vực này hoàn toàn có thể quan sát được hiện tượng "siêu trăng máu" (siêu trăng và nguyệt thực toàn phần).

Tuy nhiên ở các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên và dải ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa thì trái lại, sẽ gặp khó khăn hơn để quan sát, do đang trong một đợt mưa lớn nhiều ngày.

Hà Nội ít mây, có thể quan sát siêu trăng máu lúc 18 giờ tối nay - 2

Dự báo thời tiết không mưa tại Hà Nội vào tối nay sẽ tạo điều kiện lý tưởng để quan sát "siêu trăng máu". Ảnh: Windy

Được biết ở vùng quan sát tốt nhất, người dân ở một vùng rộng lớn gồm Thái Bình Dương, phần phía Đông của Châu Á, Nhật Bản, Châu Úc và phía Tây của Bắc Mỹ có thể thấy toàn bộ quá trình "đổi màu" của mặt trăng trong khoảng 5 giờ, bắt đầu từ 15 giờ 47 phút (giờ Việt Nam).

Trong đó giai đoạn "toàn phần" chiếm khoảng 14 phút, cụ thể là từ 18 giờ 11 phút đến 18 giờ 25 phút.

Sở dĩ gọi là "siêu trăng máu" bởi đây là hiện tượng hiếm gặp, kết hợp giữa siêu trăng và nguyệt thực toàn phần.

Vào thời điểm tiếp cận gần nhất, Mặt trăng chỉ cách chúng ta 357.460 km, đạt kích thước cực đại. Cùng lúc đó, Mặt trăng đi vào vùng bóng tối của Trái đất nên chuyển sang màu đỏ nhạt.

Đây là lần siêu trăng thứ 2 trong 3 lần siêu trăng của năm nay. Lần siêu trăng cuối cùng của năm sẽ diễn ra vào ngày 25/6, lần trước đó vào ngày 27/4.

Tuy nhiên nếu bỏ lỡ cơ hội này, bạn sẽ phải đợi đến ngày 16/5/2022 mới có thể chiêm ngưỡng "siêu trăng máu" một lần nữa.