Giống sói Na Uy tuyệt đẹp chính thức bị tuyệt chủng
(Dân trí) - Nghiên cứu xác nhận rằng con người đã giết chết những con sói Na Uy nguyên thủy cuối cùng vào những năm 1970.
Nghiên cứu mới được thực hiện dưới sự dẫn dắt của giáo sư Hans Stenøien, Giám đốc Bảo tàng Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU) đã chính thức ghi nhận sự tuyệt chủng của giống sói Na Uy hoang dã.
Theo nghiên cứu, mặc dù ngày nay vẫn còn khoảng 400 cá thể sói sinh sống tại khu vực biên giới giữa Na Uy và Thụy Điển, nhưng phân tích DNA cho thấy chúng không phải loài sói Na Uy bản địa, mà là sói từ Phần Lan di cư đến.
Nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng của giống sói này được cho là con người, khi chúng ta xuất hiện, xây dựng một nền nông nghiệp dựa trên chăn nuôi.
Khi những con sói hoang thường xuyên giết thịt cừu và đôi khi đe dọa cả tính mạng của con người, những người dân bản địa đã lập tức coi chúng là loài vật xấu, nghĩ rằng cần phải tiêu diệt chúng.
Sói từ đó trở thành mục tiêu săn bắn không chỉ vì tự vệ, mà còn bởi thịt của chúng, cũng như bộ lông của chúng dùng để làm quần áo, khăn quàng.
Hệ quả là tới năm 1970, con người đã xóa sổ quần thể sói nguyên thủy trong tự nhiên ở biên giới Na Uy. Trong suốt 10 năm, không hề có bất kể một con sói nào xuất hiện trong khu vực giữa Na Uy và Thụy Điển.
Theo một báo cáo vào năm 2019 của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tốc độ tuyệt chủng của các loài động thực vật trên Trái đất hiện đang ở mức cao khủng khiếp, gấp 1.000 lần so với trước thời kỳ con người xuất hiện.
Trong vòng 4 thập kỷ qua, số động vật hoang dã giảm đến 58% do các hoạt động của con người. Mức giảm này đã tăng lên 67% vào năm 2020.
Ước tính trong vòng 50 - 100 năm tới, tốc độ này có thể lên đến gấp 10.000 lần so với thời kỳ trước khi loài người có mặt, tương ứng hơn 1 triệu loài động thực vật sẽ tuyệt chủng.
Trong số các tác nhân gây ảnh hưởng đến sự tồn tại của sinh vật, môi trường sống bị thu hẹp nghiêm trọng là nguyên nhân đứng đầu danh sách.
Những cánh rừng, đồng cỏ vốn là mái nhà che chở cho hàng ngàn loài động vật nay đã phải nhường chỗ phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp, khai thác khoáng sản, hay để phát triển đô thị…
"Xung đột đất đai giữa con người và các động vật khác là cốt lõi cho những thách thức môi trường chúng ta đang đối mặt", Giáo sư Mercedes Bustamante ở Đại học Brasilia (Brazil) cho biết. "Lần gần nhất chúng ta chứng kiến cảnh tượng như thế là cách đây 66 triệu năm, khi thiên thạch rơi xuống Trái Đất".