1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Giảm tỉ lệ sinh sản của chuột nhờ… nước mắt chuột con

(Dân trí) - Các nhà khoa học của Đại học Tokyo (Nhật Bản) vừa phát hiện ra một chất đặc biệt có trong nước mắt chuột con có thể giúp kiểm soát tỉ lệ sinh sản của loài chuột.

Chuột được biết đến là loài có khả năng phát dục rất nhanh, đẻ nhiều, thời gian giãn cách mỗi lần đẻ ngắn, lượng cá thể đẻ mỗi lần lại đông. Đa phần các loài chuột có thể đẻ quanh năm. Chính vì vậy, làm thế nào để “ngăn cản” loài chuột đẻ nhiều là vấn đề vừa được các nhà khoa học từ Nhật Bản tìm ra một phương án mới.

Nước mắt của chuột con có chất ESP22 có khả năng giúp chuột cái không còn “hứng thú” với chuột đực.
Nước mắt của chuột con có chất ESP22 có khả năng giúp chuột cái không còn “hứng thú” với chuột đực.

Giáo sư Kazushige Touhara, người đứng đầu dự án cho biết, chỉ những con chuột từ một đến ba tuần tuổi mới sinh ra một loại chất đặc biệt được gọi là ESP22.

Chất này có tác dụng “ghi đè” lên loại kích thích tố có từ chuột đực thường dùng để hấp dẫn chuột cái. Và đương nhiên, khi con đực không còn hấp dẫn con cái thì chắc chắn tỉ lệ sinh của chúng sẽ giảm xuống như một điều tất yếu.

“Từ chối giao phối giữa con đực và con cái là một bản năng bẩm sinh, vì vậy có thể nghĩ tới việc những con chuột sẽ không học cách thay đổi hành vi của chúng.

Thông thường, loại kích thích tố có tên ESP1 được tạo ra bởi những con chuột đực để hấp dẫn chuột cái. Tuy nhiên ESP22 về cơ bản có thể thay thế những tín hiệu này trong não của chuột cái. ESP22 là chất rất khó để tổng hợp nhân tạo”, Giáo sư Kazushige Touhara cho biết.

Phát hiện quan trọng này của các nhà khoa học Nhật Bản hiện mới được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Các nhà khoa học kì vọng sẽ ứng dụng được hữu hiệu vào trong thực tế thời gian tới để ngăn chặn sự bùng nổ “dân số” của loài chuột.

Minh Long (Theo Independent)