1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2023 vinh danh 47 công trình tiêu biểu

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - 47 công trình nghiên cứu xuất sắc, có khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện hiện tại của đất nước, đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội được chọn để trao Giải Vifotec 2023.

Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2023 vinh danh 47 công trình tiêu biểu - 1

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại lễ trao giải (Ảnh: BTC).

Ngày 30/5 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec) lần thứ 29.

Đây là giải thưởng được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trên toàn quốc đã có các công trình khoa học xuất sắc, đạt hiệu quả cao.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho hay, qua 28 lần tổ chức kể từ năm 1995 tới nay, giải thưởng đã từng bước khẳng định được uy tín trong lĩnh vực sáng tạo, khoa học công nghệ, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao. Qua đó, khẳng định tài năng trí tuệ và sáng tạo của con người Việt Nam.

"Chúc mừng các nhà khoa học, các tác giả có công trình đoạt giải thưởng và bày tỏ những kết quả này sẽ ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, xây dựng đất nước chúng ta phát triển phồn vinh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Vifotec cho biết, trải qua 29 lần tổ chức, giải thưởng đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước.

Cùng với đó, hàng nghìn công trình khoa học được trao giải đã có đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đem lại cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân.

Đặc biệt chất lượng các công trình dự thi ngày càng được nâng cao qua các năm, tạo được tiếng vang lớn trong giới khoa học, trong các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trên cả nước, có khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện hiện tại của đất nước, đem lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2023 vinh danh 47 công trình tiêu biểu - 2

Các công trình khoa học được trao giải nhất (Ảnh: BTC).

Trong số 130 công trình tham dự, Hội đồng giải thưởng lựa chọn 47 công trình tiêu biểu, trao 4 giải nhất, 9 giải nhì, 16 giải ba, 17 giải khuyến khích.

Trong đó, lĩnh vực cơ khí - tự động hóa 10 giải, lĩnh vực công nghệ vật liệu 7 giải, lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông 4 giải, lĩnh vực Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống 9 giải, lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên 8 giải, lĩnh vực công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới 9 giải.

Giải nhất lĩnh vực Cơ khí Tự động hóa thuộc về công trình của nhóm tác giả Đại tá, PGS.TS Trịnh Đăng Khánh; Trung tá, GV.TS Nguyễn Đình Tĩnh; Thiếu tá, GV.ThS Phạm Văn Hùng và các cộng sự Khoa vô tuyến điện tử - Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng.

Giải Nhất lĩnh vực Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới thuộc về công trình: Ứng dụng công nghệ nghiền khô siêu mịn sản xuất gạch ngói cao cấp, siêu mỏng, tiết kiệm năng lượng của tác giả AHLĐ Nguyễn Quang Mâu, ThS. Nguyễn Duy Tấn, Nguyễn Văn Thành - Công ty CP kinh doanh - Xuất nhập khẩu Gốm Đất Việt.

Giải Nhất lĩnh vực Công nghệ vật liệu thuộc về công trình: Nghiên cứu công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất nhựa polyester không no công suất 25.000 tấn/năm phục vụ sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh của tác giả PGS.TS Hồ Xuân Năng; GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu và các cộng sự - Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A.

Giải Nhất lĩnh vực Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống: Giống cà phê vối lai TRS1 của tác giả ThS Đinh Thị Tiếu Oanh; TS. Trần Vinh, ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai và các cộng sự - Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk.