Giải Nhất cuộc thi nhiếp ảnh chụp lại khoảnh khắc kinh hoàng nơi biển cả

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã David Slater đã chụp được bức ảnh đầy ám ảnh ở vùng nước nông của Vịnh Monterey bên bờ biển Thái Bình Dương.

Giải Nhất cuộc thi nhiếp ảnh chụp lại khoảnh khắc kinh hoàng nơi biển cả - 1

Bức ảnh đoạt giải Nhất ở hạng mục Sinh vật biển do nhiếp ảnh gia David Slater ghi lại (Ảnh: Bigpicture).

Cuộc thi nhiếp ảnh thường niên BigPicture: Natural World Photography Competition năm 2022 vừa chính thức công bố những tác phẩm xuất sắc đạt giải sau khi lựa chọn từ tổng số 8.400 tác phẩm dự thi, tới từ 68 quốc gia. 

Đáng chú ý trong số những bức ảnh đoạt Giải Nhất là tác phẩm ở hạng mục Sinh vật biển của nhiếp ảnh gia động vật hoang dã David Slater. Bức ảnh đã ghi lại khoảnh khắc hàng chục con sao biển với nhiều màu sắc khác nhau chuẩn bị "nuốt chửng" một con sư tử biển nằm chết dưới đáy biển.

Trên trang Instagram cá nhân, Slater nhấn mạnh rằng những khoảnh khắc đáng nhớ của tự nhiên có thể được tìm thấy ở những nơi không thể ngờ tới. "Tôi biết hình ảnh này rất đặc biệt khi lần đầu tiên nhìn thấy nó. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc của tôi khi giành vị trí cao nhất trong một cuộc thi uy tín như vậy", Slater cho biết.

Theo mô tả, tất cả những con sao biển này đều là sao dơi (Patiria miniata) - một loài ăn xác, có nhiều màu sắc sặc sỡ. Mặc dù hình ảnh này có phần ám ảnh người xem, song sao dơi thực ra là loài động vật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc "tái chế" những xác chết dưới đáy đại dương trở thành năng lượng và chất dinh dưỡng, và sau đó chuyển hóa chúng trở lại mạng lưới thức ăn dưới đại dương.

Giải Nhất cuộc thi nhiếp ảnh chụp lại khoảnh khắc kinh hoàng nơi biển cả - 2

Hình ảnh sao dơi đang bám vào những tảng đá trên bờ biển (Ảnh: Getty).

Mặc dù không có mắt, song sao dơi có thể cảm nhận thấy ánh sáng bằng các tế bào đặc biệt, nằm ở đỉnh đầu các "cánh tay". Bên cạnh đó, các tế bào khứu giác của sao dơi cho phép chúng "nếm" các hóa chất do động vật không xương sống hoặc xác chết để lại trong nước.

Khi dơi sao tìm thấy thức ăn, chúng sẽ đẩy một trong hai dạ dày ra ngoài thông qua đường miệng, rồi tiết ra các enzym tiêu hóa để phân hủy "bữa ăn" của chúng trước khi ăn, theo Monterey Bay Aquarium.

Cũng không thể không nhắc tới con sư tử biển xấu số trong bức ảnh trên. Theo các chuyên gia hải dương học, con vật nhiều khả năng là sư tử biển California (Zalophus californianus), nhưng cũng không loại trừ khả năng là sư tử biển Steller (Eumetopias jubatus), do phạm vi hoạt động của hai loài này là khá tương đồng.

Hiện, chưa rõ con sư tử biển trong ảnh đã chết như thế nào. Các chuyên gia cho rằng nó có thể chết do các nguyên nhân tự nhiên, nhưng cũng có thể bị chết do sự tác động của con người, chẳng hạn như va đập vào thành tàu, nuốt phải nhựa hoặc vướng vào ngư cụ...

Giải Nhất cuộc thi nhiếp ảnh chụp lại khoảnh khắc kinh hoàng nơi biển cả - 3

Nhiếp ảnh gia David Slater từng nổi tiếng với những tác phẩm độc đáo, đạt giải ở các cuộc thi danh giá (Ảnh: Twitter).

"Mặc dù ảnh này toát lên vẻ u sầu, nhưng bạn hãy yên tâm rằng con sư tử biển đang đóng góp cho cộng đồng sinh vật biển, bao gồm chính giống loài của nó đang sinh sống", đại diện tổ chức cuộc thi cho biết.

Bên cạnh đó, các nhà bảo tồn sinh vật biển nhận định rằng quần thể sư tử biển ở California thực sự đang có những tín hiệu tăng mạnh về kích thước đàn. Thậm chí, chúng đã được liệt vào hạng mục "ít được quan tâm nhất" trong Sách Đỏ gồm các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Tuy nhiên, quần thể sao dơi lại đang chứng kiến điều ngược lại, khi được cho là có thể bị đe dọa do sự biến đổi khí hậu. Cụ thể, nhiệt độ đại dương tăng cao đã góp phần làm lây lan một căn bệnh mới, được gọi là hội chứng suy mòn sao biển.

Bệnh này lần đầu tiên xuất hiện ở Alaska vào năm 2013, khiến những "cánh tay" của sao biển bị xoắn lại một cách bất thường cùng với nhiều tổn thương cơ thể, khiến chúng tan rã và gần như chắc chắn sẽ chết nếu mắc phải.