Giải mã vệt sáng màu hồng xuất hiện trên bầu trời
(Dân trí) - Màn trình diễn ánh sáng tuyệt đẹp được ghi nhận trên bầu trời Na Uy vào ngày 3/11 vừa qua,
Ngày 3/11, một cơn bão Mặt Trời đã gây ra một vết nứt tạm thời nơi từ trường Trái Đất, tạo ra hiện tượng cực quang. Tuy nhiên, trái với những dải màu cực quang màu lam và xanh lục thường thấy, hiện tượng lần này đã diễn ra với màu hồng cực hiếm.
Theo Markus Varik, một hướng dẫn viên du lịch may mắn được quan sát khoảnh khắc này, đây là lần đầu tiên cực quang có màu hồng theo những quan sát của anh trong suốt hơn 1 thập kỷ.
"Đó là cực quang kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy", Varik chia sẻ. "Được quan sát nó thực sự là một trải nghiệm có một không hai".
Theo Varik, cực quang màu hồng xuất hiện xuất hiện vào khoảng 6 giờ chiều theo giờ địa phương và kéo dài trong khoảng 2 phút.
Trong cùng thời gian đó, các nhà khoa học gửi đi thông báo về một cơn bão Mặt Trời cấp độ G-1 đã đổ bộ xuống Trái Đất, và tạo ra một lỗ thủng trong từ quyển.
Thông thường, cực quang có màu xanh lục, bởi các nguyên tử oxy có nhiều trong khí quyển phát ra màu này khi chúng được tương tác.
Tuy nhiên trong trận bão Mặt Trời mới đây, vết nứt trong từ quyển của Trái Đất đã cho phép gió Mặt Trời xuyên qua độ sâu dưới 100 km, nơi khí nitơ chiếm ưu thế, theo lý giải của Spaceweather.com.
Kết quả là, cực quang phát ra ánh sáng màu hồng neon khi các hạt siêu tích điện va chạm với các nguyên tử nitơ.
Dẫu vậy, các chuyên gia không chắc liệu hiện tượng bất thường này có phải là một loại cực quang chưa từng thấy trước đây được gây ra bởi từ quyển bị tổn thương, hay nó là kết quả của một điều gì đó khác.