Ánh sáng đỏ kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời có đáng lo ngại?

Minh Khôi

(Dân trí) - Hiện tượng rất hiếm khi xảy ra đã thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học và những nhà quan sát.

Ánh sáng đỏ kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời có đáng lo ngại? - 1

Mới đây, một ảnh chụp ghi lại khoảnh khắc bầu trời phía trên sa mạc Atacama ở Chilê xuất hiện những vệt màu đỏ tươi kỳ lạ đã khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng. Cộng đồng khoa học cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm tới hiện tượng này, vì chúng rất hiếm khi xảy ra.

Theo lý giải, đây thực ra là hiện tượng sét dị hình, xảy ra do sự phóng điện ở tần suất lớn phía trên các đám mây dông. Chúng thường được kích hoạt bởi một tia sét xuất phát từ một đám mây dông, nhưng lại hướng lên phía trên thay vì xuống mặt đất, đôi khi bắt gặp ở độ cao từ 50 - 90 km.

Theo Farmer's Almanac, cộng đồng khoa học từng có xu hướng phớt lờ sự tồn tại của chúng, bất chấp việc rất nhiều phi công hay các nhà quan sát mô tả, thậm chí ghi lại những hình ảnh khi "sét dị hình" xuất hiện.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ năm 1989, khi các nhà khoa học từ Đại học Minnesota (Mỹ) đã tận mắt bắt gặp và ghi lại được những hình ảnh về loại sét kỳ lạ này.

Cũng từ khi đó, khái niệm về "sét dị hình", hay "sét thượng tầng khí quyển" đã được hình thành. Sở dĩ có tên gọi như vậy, là bởi những tia sét này xuất phát ở phần đỉnh của các đám mây, và phóng tới rìa dưới của tầng khí quyển.

Ánh sáng đỏ kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời có đáng lo ngại? - 2

Sét dị hình được ghi lại từ bên ngoài Trái Đất (Ảnh Getty).

Khác với một tia sét thông thường, sét thượng tầng khí quyển thường kết nối với nhau thành một chùm rất dày, và cũng giải phóng một lượng điện tích gấp khoảng 3 lần ở khu vực giữa đám mây và tầng điện ly.

Hầu hết những tia sét đặc biệt này diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, chỉ từ vài mili-giây. Đôi khi, chúng được cho là nguyên nhân gây ra những sự cố không thể giải thích được của các phương tiện có tầm hoạt động cao, hoặc khi chúng di chuyển lên phía trên đám mây để né tránh cơn bão nhiệt đới.

Giải thích cho ánh sáng màu đỏ của tia sét này, các nhà thiên văn học tại Đài quan sát phía nam châu Âu (ESO) cho rằng vào ban ngày, ánh sáng mặt trời đánh bật các electron ra khỏi nitơ và oxy trong khí quyển Trái Đất. Thế nhưng vào ban đêm, các electron này có xu hướng tái kết hợp với các nguyên tử và phân tử trong bầu khí quyển của Trái Đất, khiến chúng có màu như vậy.